1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Một lượng lớn thanh niên bỏ học đi làm để kiếm sống

(Dân trí) - Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam 2010 cho thấy có sự gia tăng số lao động gia đình không được trả công. Cùng đó, có một lượng lớn thanh thiếu niên rời bỏ nhà trường để tìm việc kiếm sống và hỗ trợ gia đình.

 Hôm nay (24/1), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) công bố bản Báo cáo Xu hướng Việc làm Việt Nam 2010, cung cấp thông tin cập nhật về những biến động của thị trường lao động Việt Nam.

Theo báo cáo này, trong giai đoạn từ năm 2007 và 2009, Việt Nam gặp nhiều thách thức do tác động của nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm với những ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường lao động. Nghiên cứu lực lượng lao động đã cho thấy một số xu hướng việc làm quan trọng trong giai đoạn này.

Cụ thể, các mục tiêu của Chương trình Việc làm Bền vững đã đạt được là một yếu tố quan trọng để chống đói nghèo. Tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương giảm xuống 4,3 điểm phần trăm do sự gia tăng tỷ trọng lao động làm công ăn lương (2,9 điểm phần trăm) và gia tăng lao động tự làm (8,2 điểm phần trăm). Tuy nhiên, sự gia tăng tỷ trọng lao động gia đình không được trả công (4,0 điểm phần trăm) trong cùng kỳ đi ngược lại xu hướng giảm của nhóm việc làm dễ bị tổn thương.

Một lượng lớn thanh niên bỏ học đi làm để kiếm sống - 1
Gánh nặng gia đình khiến không ít thanh niên phải rời bỏ ghế nhà trường. (Ảnh minh họa)
 
Thống kê cho thấy, Việt Nam có tỷ số việc làm trên dân số tương đối cao, với gần 75% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất ổn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam đã giảm trong giai đoạn từ 2007 đến 2009. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng đối với nam giới và nữ giới trong độ tuổi 15 – 19 (từ 37,1% năm 2007 lên 43,8% năm 2009) cho thấy rằng đã có một lượng lớn thanh thiếu niên rời bỏ nhà trường để tìm việc kiếm sống và hỗ trợ gia đình.

Ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 23 triệu lao động trong năm 2008. Số liệu trên cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động Việt Nam từ những việc làm trong ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp, đòi hỏi nhiều lao động sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, được đầu tư công nghệ và tài chính nhiều hơn. Trong hầu hết các dự báo, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020. Người lao động có trình độ và kỹ năng cao hơn sẽ là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi này cũng như sự tăng trưởng thành công của Việt Nam trong vai trò là quốc gia có thu nhập trung bình…

Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin Thị trường Lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ-TBXH là cơ quan thực hiện báo cáo, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua qua Dự án Thị trường Lao động do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.

Bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng: “Phân tích và thông tin thị trường lao động là yếu tố chủ chốt để nhân rộng việc làm bền vững và có năng suất, giúp các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn rõ hơn về các xu hướng việc làm. Trong đó, vấn đề Việc làm bền vững được coi là cách thức bền vững nhất để giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và là mấu chốt quan trọng của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

Đây là ấn phẩm thứ hai trong loạt báo cáo thường niên nêu bật những yếu tố tích cực đạt được gần đây của thị trường lao động, đồng thời chỉ ra các xu hướng việc làm ảnh hưởng đến quyết định của các chuyên gia hoạch định chính sách và các nhà đầu tư.

 P. Thanh