Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với "cây tỷ đô"
(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học, anh Lưu Hoàng Tuấn trở về quê nhà buôn bán rồi bắt tay khởi nghiệp với việc chế biến sầu riêng. Sau nhiều năm lăn lộn, anh Tuấn có nguồn thu nhập nhiều người mơ ước.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học quốc gia TPHCM, anh Lưu Hoàng Tuấn (33 tuổi) quyết định trở về quê nhà (thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) làm việc. Song song với công việc ở một cơ quan nhà nước, anh Tuấn bắt tay vào kinh doanh, buôn bán sầu riêng.
Theo anh Tuấn, Đạ Huoai được mệnh danh là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng. Trái cây tại đây có hương vị thơm ngon đặc biệt, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa thích.
![Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 1 Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/jatrIfKLoJZaWDwtIAE30-1g560=/thumb_w/1020/2025/02/09/sau-rienglam-dongan-sinh-1739065213128.jpg)
Anh Lưu Hoàng Tuấn đầu tư 8ha sầu riêng để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến (Ảnh: An Sinh).
"Từ việc nhiều người liên hệ hỏi mua hàng, tôi vay mượn tiền làm vốn đi buôn. Ban đầu, tôi đến các vườn trong vùng mua sầu riêng với số lượng nhỏ rồi mang về đóng gói, chuyển cho khách hàng. Về sau, việc buôn bán thuận lợi, tôi kinh doanh số lượng lớn hơn", anh Tuấn chia sẻ.
Năm 2018, trong lần chuyển hàng cho khách, những quả sầu riêng của anh Tuấn bị thối hỏng, ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Nhận thấy việc buôn bán quả tươi tiềm ẩn rủi ro nên anh Tuấn học hỏi cách cấp đông sầu riêng.
Anh Tuấn cho hay, năm 2019, anh mua 2 tủ lạnh và lấy múi của những quả sầu riêng chín tự nhiên để thử nghiệm. Sau nhiều lần, cuối cùng anh cũng đưa ra được quy trình cấp đông, tạo ra nguồn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
![Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 2 Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/QQbqjkOj6DEnEXAkXUv2x-1YO8k=/thumb_w/1020/2025/02/09/sau-rienglam-dongan-sinh-2-1739065481206.jpg)
Sầu riêng chín được anh Lưu Hoàng Tuấn chọn lọc, lấy múi cấp đông (Ảnh: An Sinh).
Về quá trình cấp đông, anh Tuấn bật mí: "Bước đầu, sầu riêng chín được chuyển đến khu vực sấy để giảm lượng nước trong quả. Khi quả đạt độ khô phù hợp, tôi bóc vỏ, lấy múi cho vào các hộp và cấp đông. Sau 7-8 giờ, quy trình cấp đông hoàn tất, sản phẩm được chuyển đóng gói".
Theo anh Tuấn, thời gian đầu chế biến sầu riêng, anh gặp khó khăn và nhiều lần thất bại. Về sau, khi cấp đông thành công sản phẩm thì anh lại phải đối đầu với các vấn đề phát sinh trong vận chuyển.
"Nhiều lô sản phẩm vận chuyển đến nơi tiêu thụ bị chảy nước, lên men, hư hỏng. Có lần tôi thiệt hại lên đến 600 triệu đồng", anh Tuấn kể.
Sau mỗi thất bại, anh Tuấn lại nghiên cứu, tìm cách khắc phục. Năm 2020, các vấn đề kỹ thuật trong sản xuất được kiểm soát, sản phẩm sầu riêng cấp đông được anh Tuấn phát triển và mở rộng thị trường. Cũng thời gian này, anh Tuấn được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng, mở rộng nhà xưởng sản xuất.
![Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 3 Cử nhân kinh tế thành tỷ phú sau những thất bại với cây tỷ đô - 3](https://cdnphoto.dantri.com.vn/CvJNhMzBncTB1SE0EHvqHcmMwOM=/thumb_w/1020/2025/02/09/sau-rienglam-dongan-sinh-3-1739065559474.jpg)
Hiện nay, 8ha sầu riêng của gia đình anh Lưu Hoàng Tuấn bắt đầu cho quả bói (Ảnh: An Sinh).
Hiện nay, mỗi năm cơ sở của anh Tuấn cung ứng 40-50 tấn sầu riêng cấp đông cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản. Việc phát triển sản phẩm sầu riêng cấp đông mang lại cho anh doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Được biết, anh Tuấn đã đầu tư, trồng 8ha sầu riêng để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến. Anh cùng với các hợp tác xã trên địa bàn huyện Đạ Huoai xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao với quy mô hàng trăm héc-ta.
Ông Hoàng Thanh Nam, Chủ tịch Hội nông dân huyện Đạ Huoai cho biết, mô hình chế biến sầu riêng của anh Lưu Hoàng Tuấn góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm. Đây là cách làm hiệu quả, được chính quyền địa phương quan tâm và khuyến khích phát triển.
"Huyện Đạ Huoai có diện tích sản xuất sầu riêng lớn và thị trường hiện nay chủ yếu tiêu thụ quả tươi. Do vậy, việc phát triển chế biến, cấp đông là một trong những giải pháp hữu hiệu để phát triển sầu riêng bền vững", ông Hoàng Thanh Nam nói.
Cơ sở sản xuất của gia đình anh Tuấn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động chính thức với mức lương 6,5 triệu đồng/người/tháng; tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động thời vụ.
Sầu riêng hiện vươn lên vị thế "vua trái cây" của Việt Nam, gia nhập nhóm nông sản "tỷ đô" khi đem lại giá trị xuất khẩu khoảng 3,2 tỷ USD năm 2024.