Giàu nhờ "cây tỷ đô", nông dân một huyện sắm hơn 1.000 ô tô

Thúy Diễm

(Dân trí) - Thu nhập "khủng" từ cây sầu riêng, chỉ trong vòng 2 năm, nông dân tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã mua hơn 1.000 chiếc ô tô.

Ngày 18/7, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp báo Lễ hội sầu riêng lần 2 năm 2024 với chủ đề Sầu riêng Krông Pắk - Phát triển và Hội nhập.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết lễ hội năm nay có 12 chuỗi sự kiện, hoạt động và trọng tâm của lễ hội nhằm đề cao, tôn vinh vai trò người trồng sầu riêng.

Giàu nhờ cây tỷ đô, nông dân một huyện sắm hơn 1.000 ô tô - 1

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk thông tin về các hoạt động diễn ra tại Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần 2 (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo bà Trinh, trước đây, người nông dân đang quen tư duy cũ "đèn nhà ai nấy sáng" và chưa quan tâm đến kinh tế tập thể. Tuy nhiên, thời gian qua, người nông dân đã bắt đầu thay đổi tư duy, hiểu được giá trị của việc mua chung, bán chung khi liên kết trong hợp tác xã.

Qua đó, phát huy được giá trị của sầu riêng khi đưa ra thị trường và nông dân chú trọng đặc biệt đến chất lượng sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk dẫn chứng, giá sầu riêng liên tục tăng cao. Đến nay, đầu vụ thu hoạch, thương lái đã chào mua sầu riêng tại vườn lên tới 90.000 đồng/kg, mang đến nguồn thu rất lớn cho nông dân khiến bà con thực sự phấn khởi.

Giàu nhờ cây tỷ đô, nông dân một huyện sắm hơn 1.000 ô tô - 2

Thu nhập "khủng" từ sầu riêng, chỉ trong 2 năm, nông dân huyện Krông Pắk mua trên 1.000 ô tô (Ảnh: Thúy Diễm).

Với mức thu nhập cao từ trồng sầu riêng, trong năm 2022 nông dân huyện Krông Pắk đã sắm khoảng 400 chiếc ô tô, trong năm 2023 sắm trên 600 chiếc và số lượng mua ô tô sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.

Bà Ngô Thị Minh Trinh bày tỏ, huyện Krông Pắk khát vọng xây dựng địa phương trở thành "thủ phủ" sầu riêng của cả nước. Để thực hiện được điều đó, theo bà Trinh, địa phương cần phải xây dựng hệ sinh thái phát triển sầu riêng bền vững, với những người làm sầu riêng tử tế để phát triển thương hiệu các sản phẩm tươi lẫn chế biến sâu từ sầu riêng.

"Giá sầu riêng được nâng cao, khách hàng càng ngày càng khó tính nên nông dân, nhà quản lý phải thay đổi rất nhiều để hướng đến xuất khẩu, hội nhập quốc tế", bà Trinh nhấn mạnh.

Giàu nhờ cây tỷ đô, nông dân một huyện sắm hơn 1.000 ô tô - 3

Nông dân huyện Krông Pắk phấn khởi trong vụ mùa sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm).

Lãnh đạo huyện Krông Pắk thông tin, trong lễ hội sầu riêng năm đầu tiên, huyện đã đón hơn 40.000 lượt khách đến tham dự. Rút kinh nghiệm lần tổ chức lễ hội lần 2, huyện Krông Pắk đã chuẩn bị kỹ càng khâu tiếp đón, bố trí nơi lưu trú, tránh ùn tắc giao thông… phục vụ du khách chu đáo nhất.

Lễ hội sầu riêng Krông Pắk lần 2 diễn ra từ ngày 31/8 đến 2/9 với một loạt chuỗi hoạt động như: trải nghiệm thưởng thức sầu riêng tại vườn, tham quan vườn sầu riêng cổ thụ; hội chợ giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của địa phương; lễ hội đường phố; đêm hội DJ và vũ hội ánh sáng; bắn pháo hoa…

Tỉnh Đắk Lắk có trên 32.00ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 9.500ha, diện tích trồng xen khoảng 23.000ha. Đây là tỉnh có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước, ước đạt 280.000 tấn.

Riêng huyện Krông Pắk hiện có trên 7.000ha sầu riêng, sản lượng năm nay ước tính trên 92.000 tấn.

Sầu riêng hiện vươn lên vị thế "vua trái cây" của Việt Nam, gia nhập nhóm nông sản "tỷ đô" khi đem lại giá trị xuất khẩu 2,24 tỷ USD năm 2023.Xuất khẩu sầu riêng góp phần quan trọng giúp ngành hàng rau quả lập kỷ lục lịch sử (5,7 tỷ USD).