1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiên Giang:

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Với nghề chế biến tôm khô, mỗi năm, cơ sở của bà Lê Xuân Mai không chỉ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mà còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho gần chục lao động địa phương.

Bén duyên nghề từ lần... biếu hàng xóm ăn thử

Là một trong những hộ sản xuất tôm khô lâu năm ở TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, những ngày này, cơ sở của bà Lê Xuân Mai (66 tuổi, ngụ phường Tô Châu), chủ vựa tôm khô Cô Ba, đang tất bật chuẩn bị cho vụ khô Tết.

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống - 1

Bà Lê Xuân Mai gìn giữ phát triển nghề chế biến tôm khô truyền thống hơn ba thập kỷ (Ảnh: Bảo Kỳ).

Trước đây, bà làm nhiều nghề từ buôn bán nhỏ lẻ đến đóng đáy đánh bắt hải sản. Mỗi lần đóng đáy, có tôm thừa bà đều chừa lại phơi khô để dành ăn trong gia đình và cho hàng xóm dùng thử. Thấy tôm khô được nhiều người khen, bà Mai quyết định tập trung sản xuất loại thực phẩm này, từ đó đến nay đã được hơn 30 năm.

Khác với tôm khô ở vùng khác, tôm khô Hà Tiên có hương vị đặc trưng, được làm từ tôm tươi sống được đánh bắt tự nhiên như tôm đất, tôm he, tôm sắt, tôm chì từ đầm Đông Hồ và vùng biển TP Hà Tiên.

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống

Hơn 30 năm qua, tôm khô của bà Mai vẫn giữ được mùi vị riêng nhờ làm theo một công thức duy nhất. Tất cả quy trình sản xuất được làm thủ công, không dùng chất bảo quản nên chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo.

"Tôm khô Hà Tiên tuy nhỏ nhưng có độ ngọt tự nhiên và hương thơm đặc trưng. Bắt được mẻ nào là xưởng tôi mua ngay mẻ đó, đem về cơ sở luộc và phơi ngay, tuyệt đối không dùng tôm chết. Khi luộc tôm cần nêm thêm chút muối để cho tôm đậm đà hơn", bà Mai chia sẻ bí quyết làm món tôm khô trứ danh của mình.

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống - 2

Tôm đánh bắt được sẽ đưa vào quy trình chế biến từ rửa sạch, luộc, phơi khô, đập vỏ, phân loại và đóng gói (Ảnh: Bảo Kỳ).

Theo chủ cơ sở, tôm khô được sản xuất quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, khi ấy là thời điểm vào vụ khô Tết. Tôm đánh bắt được sẽ đưa vào quy trình chế biến từ rửa sạch, luộc, phơi khô, đập vỏ, phân loại và đóng gói. Tôm khô phơi chỉ một nắng, phơi khoảng 3,4 tiếng đã có thể bóc vỏ, sàng.

Trước dịch, mỗi ngày cơ sở của bà tiêu thụ khoảng một tấn tôm tươi, sau khi luộc và phơi sẽ còn khoảng 80-100kg tôm khô thành phẩm, giá dao động từ 200.000 đến 350.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, bà Mai có thể kiếm được cả triệu đồng mỗi ngày.

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống - 3

Tôm tươi được đưa vào bếp luộc chín (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Tôm khô được giao cho các sạp ở Hà Tiên và bán cho khách du lịch. Những năm trước, khách du lịch đông tôi có thể bán cả 50kg tôm khô mỗi ngày. Ngoài ra, tôi còn bỏ mối cho xe ôm để họ bán dạo. Hai năm nay dịch bệnh, khách du lịch thưa thớt, chỉ còn bán được cho các sạp quen", bà chủ U70 chia sẻ.

Gian nan níu giữ nghề

Tuy mang đến thu nhập cao nhưng để bám trụ với nghề hơn 30 năm bà Mai đã trải qua không ít khó khăn, từ việc thị trường tiêu thụ bị cạnh tranh đến chuyện nguồn nguyên liệu dần khan hiếm.

Trải lòng với nghề, chủ cơ sở tâm sự: "Làm tôm khô cực lắm, khuya đã ra bãi để đón mua tôm tươi. Đến khi tôi về đến nhà, tôm luộc xong có nắng thì phơi, tách vỏ, sàng và phân loại sản phẩm, đóng gói. Mấy năm nay tôm ít dần, sản lượng tiêu thụ ít nên xưởng tôi cũng sản xuất ít hơn".

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống - 4

Nhân công của cơ sở bà Mai đang phơi tôm (Ảnh: Bảo Kỳ).

Từ năm 2020 đến nay, do dịch Covid-19 việc sản xuất tôm khô của bà Mai càng bị ảnh hưởng. Trước đây, công suất làm tôm khô đều đặn khoảng 100kg/ngày. Nhưng hiện tại khoảng 3 ngày bà mới sản xuất làm một lần. Thời điểm này đã vào vụ khô Tết nhưng vẫn chưa có nhiều thương lái đặt hàng, cộng thêm biển động vào các tháng cuối năm nên sản lượng tôm tươi giảm đáng kể.

"Dù khó khăn nhưng cũng không thể bỏ cuộc. Tôi đã giữ món tôm khô này hơn nửa đời người rồi thì phải ráng theo nó đến cùng", bà Mai trải lòng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà chủ tôm khô Cô Ba đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Kim Hồng (nhân công tại vựa tôm khô) cho biết, công việc đã đem lại thu nhập ổn định. Bình quân, bà có thể kiếm được 200.000 đồng ngày, đủ lo cho gia đình.

Cụ bà 70 nuôi cả nhà, cả họ nhờ nghề làm tôm khô truyền thống - 5

Tôm khô Hà Tiên tuy nhỏ nhưng có độ ngọt tự nhiên và hương thơm đặc trưng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Cao Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Tô Châu cho biết, trên địa bàn phường có 2 cơ sở sản xuất tôm khô lớn, có bãi phơi hoàn chỉnh, trong đó có hộ bà Mai. Còn lại là các hộ sản xuất nhỏ lẻ theo dạng phơi tôm trên ghe.

"Để quảng bá tôm khô Hà Tiên cho du khách, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ đưa tôm khô trở thành đặc sản có thương hiệu và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm", ông Tuấn nói thêm.