Quảng Bình:
Covid-19 báo hiệu mùa Tết không "ấm" với lao động ngành du lịch
(Dân trí) - Quảng Bình xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và hiện có khoảng 15 ngàn lao động, tuy nhiên dịch Covid và thiên tai khiến thu nhập lao động ngành du lịch bấp bênh, nguy cơ "mất Tết" dần hiện hữu.
Lao đao vì dịch và thiên tai
Năm 2020 có thể nói là một năm đầy khó khăn với du lịch tỉnh Quảng Bình, gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này khi du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn.
Bởi lẽ khi còn chưa kịp gượng dậy sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch Quảng Bình lại phải đối mặt với nhiều thiệt hại do đợt mưa lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua gây ra.
Vì thiên tai và đại dịch, lượng du khách đến Quảng Bình trong năm 2020 đã giảm sâu, các hoạt động du lịch tại tỉnh này ảm đạm chưa từng có. Kéo theo đó là những hệ lụy đối với hàng ngàn lao động đang sống dựa vào ngành công nghiệp không khói.
Tại Phong Nha - Kẻ Bàng, trái tim của du lịch Quảng Bình, rất nhiều lao động đã mất đi nguồn thu nhập khi lượng du khách giảm quá sâu.
Chị Ngô Thị Liễu, một lái thuyền chở khách tham quan động Phong Nha cho biết, trung bình các năm trước, chị có thể chở hơn 100 chuyến, với số tiền 550 ngàn đồng/chuyến, mỗi năm chị cũng có thu nhập gần 60 triệu đồng từ việc chở khách.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trung tâm điều phối thuyền du lịch cũng chỉ mới phân cho chị Liễu chưa đầy 20 chuyến.
Còn từ sau đợt mưa lũ vào tháng 10 đến nay, chị cũng chỉ mới được 1 chuyến với thu nhập vỏn vẹn 550 ngàn đồng. Đó cũng là thực trạng chung của hàng trăm lái thuyền động Phong Nha trong năm 2020.
Cũng như chị Liễu, anh Nguyễn Xuân Quốc, tài xế của một đơn vị khai thác du lịch nổi tiếng tại Quảng Bình cũng cho biết, do dịch Covid-19 và mưa lũ liên tiếp, đơn vị nơi anh đang làm việc giảm đến 70% lượng khách.
Cũng vì vậy, công việc đưa đón khách của anh Quốc ít đi, kéo theo thu nhập cũng đi xuống.
"Từ đầu năm đến nay cũng không được mấy chuyến, so với mọi năm có thể nói là chỉ được 1 phần 10. Xe không chạy thì cũng không có tiền, các chế độ cũng bị cắt giảm, tới đây có lẽ thưởng Tết cũng không còn được như mọi năm nữa", anh Quốc buồn bã.
Báo hiệu một cái Tết không "ấm"
Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình hiện có khoảng 5.000 lao động trực tiếp và gần 9.000 lao động gián tiếp đang hoạt động trong ngành du lịch. Không có du khách, các hoạt động du lịch đình trệ, vì vậy nguồn thu nhập cũng trở nên bấp bênh với người lao động, và đằng sau đó, nguy cơ "mất Tết" dần hiện hữu.
Thị trấn Phong Nha là địa phương có số lượng lao động ngành du lịch lớn tại Quảng Bình, ngành du lịch chịu ảnh hưởng của đại dịch và mưa lũ đang khiến cuộc sống người dân tại địa phương này gặp muôn vàn khó khăn và ảnh hưởng lớn đến kinh tế của một thị trấn mới đầy tiềm năng.
Trao đổi với Dân trí, ông Trần Nam Trung, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phong Nha cho biết, có đến 55% lao động thị trấn này đang tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch, trong đó 30 phần trăm là lao động trực tiếp.
"Du lịch là kinh tế chính của phần lớn người dân tại Phong Nha, từ sản xuất hàng hóa, các sản phẩm phục vụ du khách đến lao động tại các đơn vị khai thác du lịch, các tour, tuyến. Tuy nhiên năm nay là một năm vất vả với người dân địa phương chúng tôi khi hoạt động du lịch không đạt hiệu quả như mong đợi.
Hiện nay chúng tôi đang lên phương án cũng như hỗ trợ người dân tổ chức lại công tác sản xuất, phục vụ du khách trong mùa du lịch mới. Hy vọng dịch Covid-19 sẽ không còn ảnh hưởng để lượng khách tăng lên, đời sống bà con nhờ đó mà tốt hơn", ông Trung cho hay.
Cũng theo ông Trung, ngoài những lao động trực tiếp, hàng ngàn lao động gián tiếp, dịch vụ kèm theo tại Phong Nha cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, nghề nuôi cá trắm sông Son để phục vụ du khách cũng đang phải gánh chịu những tổn thất từ mưa lũ và đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, hàng loạt homestay, khách sạn, nhà hàng cũng rơi vào tình trạng vắng khách và phải cắt giảm các lao động thời vụ vì không thể chi trả lương. Nhiều lao động thậm chí đã quyết định bỏ công việc hiện tại để tìm một việc làm khác có thu nhập hơn.
"Mình trước làm cho một đơn vị lữ hành, nhận tour cũng như hướng dẫn du khách tham quan các điểm du lịch. Thế nhưng năm nay khách quá ít, công ty hoạt động trì trệ, thu nhập không có nên mình đành phải xin nghỉ để tìm việc khác. Hiện tại mình đang làm việc cho một hãng xe khách", anh Hoàng Văn Ninh, một lao động tại Quảng Bình tâm sự.
Còn với Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, để đảm bảo đời sống cho người lao động, đơn vị này cũng đã tiến hành dừng các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng không cần thiết và xin gia hạn thời gian nộp các khoản thuế năm 2020 để chi trả lương cho viên chức và hợp đồng lao động đến hết quý I/2021.
Bước vào những tháng cuối năm, cũng là lúc mùa du lịch nội địa đi qua. Nếu như các năm trước, ngành du lịch sẽ bù đắp khoản doanh thu nội địa sụt giảm bằng lượng khách quốc tế, thì năm nay tình hình càng thêm khó khăn khi lượng khách nước ngoài giảm sâu.
Điều này khiến những người lao động và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đang trông chờ vào sự hồi phục của thị trường khách quốc tế phải "chật vật" để duy trì hoạt động. Vấn đề việc làm và thu nhập ở thời điểm hiện tại đang là nỗi lo thường trực, báo hiệu một cái Tết không "ấm" với người lao động ngành du lịch.
Hiện tại, Quảng Bình cũng đang nỗ lực khắc phục các hậu quả mưa lũ, lên phương án trong tình hình mới, cho mua du lịch mới. Hàng ngàn lao động tại địa phương này vẫn đang mong chờ vào một mùa du lịch khởi sắc, cùng với đó là mong muốn dịch Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn để các hoạt động du lịch phục hồi, mang lại nguồn thu nhập ổn định và lâu dài.