Bi hài:
Bị kẹt lại do Covid-19, 5 người nước ngoài mưu sinh bằng nghề... dắt xe máy
(Dân trí) - Rất nhiều người nước ngoài đến du lịch, làm việc tại Việt Nam đã bị kẹt lại không thể trở về nước khi dịch Covid-19 xảy ra. Khi số tiền mang theo đã hết, họ phải chấp nhận tìm việc để mưu sinh.
Trở thành người vô gia cư, không việc làm
Khoảng 6 tháng nay, tại khu vực bãi gửi xe tại các góc đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khắc Nhu (quận 1, TPHCM) dễ dàng bắt gặp hình ảnh các chàng trai Ấn Độ làm công việc nhân viên giữ xe.
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên những người đàn ông đến từ đất nước Nam Á này đã rơi vào tình cảnh vô gia cư, không việc làm.
"Tôi đã đến Việt Nam để đi du lịch, nhưng do dịch Covid-19 nên tôi đã bị kẹt ở Việt Nam. Tôi gặp phải vấn đề nghiêm trọng, đó là không còn tiền để mua thức ăn, chi trả cho nơi ở nên tôi mới đi tìm một công việc để mưu sinh. May mắn tôi tìm được công việc này và ông chủ cũng rất là tốt, giúp đỡ tôi về mọi mặt", anh John, quốc tịch Ấn Độ cho biết.
Nhận xét về công việc của mình, anh John không cảm thấy ngại ngùng gì cả vì đây là công việc chính đáng.
Anh Ashok Kumar, quốc tịch Ấn Độ, cũng chia sẻ: "Tại Ấn Độ, tôi làm việc tại công ty thời trang và mỹ phẩm, thể thao. Để mở rộng thị trường, tôi đã sang Việt Nam, nhưng do đại dịch Covid-19, tôi đã bị kẹt ở lại. Tại đây, tôi phải rời khỏi nhà trọ của mình vì đã hết tiền, thẻ ngân hàng thì không sử dụng được nên tôi trở thành người vô gia cư, không việc làm, không có tiền".
Được ông chủ giúp đỡ, anh Ashok Kumar đã làm việc tại một bãi xe máy, lương ở đây thì không quá tệ. Anh đã có thể trang trải đủ chi phí, đủ tiền gia hạn visa. Sắp tới, tôi muốn làm thêm giờ để có thể có 20 triệu đồng trở về Ấn Độ.
Anh Trần Thiện Phương, Giám đốc Công ty giữ xe chuyên nghiệp Leosix (TPCHM) đã giúp đỡ những người bạn nước ngoài này bằng cách cho họ làm việc và trả cho họ mức lương để có thể trang trải qua mùa dịch.
"Tôi có cơ duyên biết được tình trạng của các anh chàng Ấn Độ này nên tôi mới cho họ vào bãi giữ xe của tôi làm việc. Mỗi tháng tùy thuộc vào giờ họ làm việc mà tôi trả mức lương dao động từ 6 - 7 triệu đồng/người"- Anh Trần Thiện Phương cho hay.
Lúc đầu nhóm người bạn Ấn Độ này có tổng cộng 6 người, nhưng đã có 1 người đã về nước. Anh Phương đánh giá rất cao về thái độ làm việc của nhóm người nước ngoài này.
"Việt Nam là một đất nước dễ sống"
Đó là nhận định của anh Arun, quốc tịch Ấn Độ. Anh nói: "Con người ở Việt Nam rất tốt và hiền. Tôi đã sống ở những nước khác, cuộc sống rất khó khăn, vì chi phí sinh hoạt cao, rất khó để tìm việc. Nhưng riêng ở Việt Nam, chi phí sinh hoạt thấp nên đời sống rất dễ".
Anh Arun cũng cho biết thêm, lương ở Việt Nam so với Ấn Độ gần ngang bằng nhau. Mục tiêu trước mắt là sẽ tiết kiệm đủ tiền để mua vé trở về Ấn Độ, và quay trở lại Việt Nam để tìm kiếm một công việc ổn định hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, Ashok Kumar, quốc tịch Ấn Độ bày tỏ: "Tôi cảm thấy cuộc sống ở Việt Nam khá là thoải mái, chi phí thấp, người dân lại thân thiện, vui vẻ. So với các nước khác trên thế giới đang bị ảnh hưởng dịch Covid-19, ở Việt Nam tôi cảm thấy khá an toàn và ở đây tôi cũng có những người bạn tốt bụng. Dù sao, tôi vẫn mong dịch bệnh sẽ mau qua đi để có thể về nhà và tôi chắc chắn sẽ quay lại thăm Việt Nam bởi vì tôi yêu Việt Nam".
Năm 2019, Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống nhất với người nước ngoài, theo bảng xếp hạng của HSBC dựa trên phản hồi của hơn 18.000 người nước ngoài đến sống ở 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là nơi dễ thiết lập cuộc sống mới, nền kinh tế ổn định, cơ hội thăng tiến sự nghiệp tốt, đặc biệt là yếu tố cân bằng cuộc sống khá cao...
Cũng theo khảo sát, Việt Nam là quốc gia có chế độ đãi ngộ cho người nước ngoài khá cao. Theo đó, 15% người nước ngoài làm việc tại đây kiếm được hơn 250.000 USD một năm, cao hơn so với mức trung bình toàn cầu 7%. Đồng thời, Việt Nam cũng được đánh giá là một đất nước hòa bình, chính trị ổn định, an toàn để sinh sống và phát triển sự nghiệp.