Công ty Nhật về quê ‘săn’ lao động

Lâu nay người tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) thường vào TP.HCMhoặc ra Hà Nội liên hệ các công ty XKLĐ để học tiếng, phỏng vấn, họcđịnh hướng, học nghề để sang các nước làm việc.

Việc di chuyển xa, thời gian học tập kéo dài sẽ tăng thêm chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động. Đó là chưa kể lợi dụng sự nhẹ dạ của người lao động, nhiều “cò” lao động còn mồi chài thu thêm chi phí.

Gần đây, các chủ sử dụng lao động đến từ Nhật Bản phối hợp các công ty XKLĐ tại TP.HCM tổ chức các lớp học tiếng Nhật và tổ chức phỏng vấn ngay tại các địa phương có người tham gia XKLĐ để giảm chi phí đi lại, ăn ở cho người lao động. Cụ thể, một công ty XKLĐ tại TP.HCM đã cùng nghiệp đoàn Business Network (Nhật Bản) tổ chức cho các chủ sử dụng lao động từ Nhật phỏng vấn trực tiếp người lao động tỉnh Bình Định.

Cuộc phỏng vấn này có bốn công ty tham gia, tuyển sáu lao động sang Nhật làm ngành trồng trọt và thu hoạch hoa ly. Ngoài bài test kỹ năng IQ, đọc hiểu nhận dạng chữ cái, số, các ứng viên tham gia phỏng vấn trực tiếp.

Sau khi trúng tuyển, các công ty Nhật mời thân nhân các ứng viên đến để thông tin chi tiết và trả lời các thắc mắc về điều kiện, thời gian làm việc và thu nhập của con em họ. Ảnh: AN NHIÊN
Sau khi trúng tuyển, các công ty Nhật mời thân nhân các ứng viên đến để thông tin chi tiết và trả lời các thắc mắc về điều kiện, thời gian làm việc và thu nhập của con em họ. Ảnh: AN NHIÊN

Chị Võ Thị Tuyết Nhung, một trong các ứng viên tham gia phỏng vấn, chia sẻ ba tháng trước chồng chị phải cất công vào TP.HCM học tiếng Nhật, phỏng vấn tốn khá nhiều chi phí đi lại, học tiếng và ăn ở. Lần này công ty Nhật trực tiếp về quê phỏng vấn khiến chị bớt áp lực tâm lý và chi phí nhẹ hơn.

Chị nói: “Nói chung, cuộc phỏng vấn có khá nhiều câu hỏi và kiểm tra kỹ năng thao tác nhưng em cảm thấy khá thoải mái, dù có rớt thì lần sau thi tiếp cũng không thấy áp lực, vì lịch phỏng vấn họ thường sắp xếp trước để mình chuẩn bị tâm lý”.

Ông Tada Tsutomu, giám đốc một công ty trồng trọt rau củ trong nhà kính, phấn khởi cho hay đã chọn được hai lao động nữ có gia đình làm nghề trồng trọt rau màu tương tự như nghề ông đang sản xuất tại Nhật. “Tôi rất vui vì đã chọn được hai lao động ưng ý nhưng có chút lo lắng vì làm nông nghiệp ở Nhật phải làm việc cường độ cao, làm bằng máy móc là chủ yếu trong khi lao động tại Việt Nam chủ yếu làm bằng tay chân sẽ tiếp cận công việc chậm hơn. Tuy nhiên, tôi sẽ hướng dẫn họ các kỹ năng và thao tác làm việc tốt nhất” - ông Tada Tsutomu nói.

Đáng chú ý, sau khi phỏng vấn, chủ sử dụng lao động các công ty Nhật đã mời cha mẹ, anh chị của người trúng tuyển đến để thông tin chi tiết công việc sẽ làm, thu nhập, thời gian làm thêm, điều kiện làm việc, ăn ở và các chính sách bảo hiểm người lao động được hưởng khi sang Nhật làm việc.

Cuộc gặp gỡ này, các công ty Nhật không chỉ trả lời thắc mắc của gia đình người lao động, mà họ còn đề nghị các gia đình cùng động viên người lao động làm việc chăm chỉ, gắn bó với doanh nghiệp, không vi phạm pháp luật nước sở tại, nghe người lao động cư trú bất hợp pháp bỏ trốn.

“Công việc nông nghiệp tại Nhật làm quanh năm, chủ yếu làm bằng máy móc, công nghệ cao nhưng cường độ làm việc không vì thế mà giảm. Bởi vậy các ứng viên cần chuẩn bị tốt tiếng Nhật để trao đổi công việc và tâm lý tốt để làm việc không bị áp lực. Đồng thời các gia đình tiếp tục động viên con em mình cố gắng làm việc, chịu khó học tiếng Nhật để thuận lợi hơn trong việc hòa nhập cộng đồng bản xứ” - đại diện một công ty Nhật chia sẻ.

Theo PLO.VN