Thực tập sinh tại Nhật Bản: Tăng thời gian lên 5 năm, mở rộng nhiều lĩnh vực
(Dân trí) - Thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam được nâng từ 3 năm lên 5 năm, mở rộng ở lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không được phép thu tiền đặt cọc của người lao động.
Đây là một trong nhiều nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản.
Chương trình ký kết được thực hiện trong trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hôm 6/6/2017.
Đây cũng là bản thỏa thuận đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Nhật Bản về lĩnh vực cung ứng thực tập sinh. Đồng thời, Bản thỏa thuận trên cũng là văn bản pháp lý đầu tiên Chính phủ Nhật Bản ký với các nước cung ứng thực tập sinh tới Nhật Bản.
Bản ghi nhớ MOC có hiệu lực từ ngày 1/11/2017 và thể hiện nhiều điểm thống nhất và quan tâm chung của các bên.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki ký Bản Ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC).
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng (MOC) sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tăng số lượng thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản thực tập kỹ năng, đào tạo nhiều lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật và kinh nghiệm, tác phong làm việc của Nhật Bản. Qua đó thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, góp phần giải quyết và tạo việc làm cho người lao động trong nước.
Theo đó, MOC đã xác định mục tiêu của sự hợp tác nhằm chuyển giao kỹ năng, kỹ thuật trong việc đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam phục vụ lợi ích của hai nước.
Quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Việt Nam và Nhật Bản trong việc thực hiện chương trình thực tập kỹ năng, như: Việt Nam kiểm tra và giới thiệu các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn đưa thực tập sinh sang Nhật Bản; phía Nhật Bản cấp phép cho các Tổ chức quản lý Nhật Bản và cấp chứng nhận kế hoạch tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam cho các cơ sở, đơn vị Nhật Bản theo các tiêu chuẩn quy định trong Bản ghi nhớ.
Đồng thời, MOC ghi nhớ tạo cơ chế phối hợp giữa cơ quan chức năng của Việt Nam và Nhật Bản trong việc thông tin cho nhau về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức quản lý và các đơn vị, cơ sở tiếp nhận Nhật Bản.
Qua đó hướng dẫn, kiểm tra và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh; xử phạt doanh nghiệp, tổ chức quản lý, đơn vị và cơ sở tiếp nhận vi phạm các quy định của hai nước; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thực tập sinh, doanh nghiệp, tổ chức quản lý.
Cũng trong nội dung, MOC cũng yêu cầu các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản không được phép thu giữ tiền đặt cọc của thực tập sinh, công khai các khoản thu phí của thực tập sinh để tránh tình trạng thực tập sinh bị thu các khoản phí cao và trái với quy định của Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 11/2016, Quốc hội Nhật Bản thông qua Luật về Thực hiện chương trình thực tập kỹ năng và bảo hộ thực tập sinh nước ngoài (lần đầu tiên Nhật Bản có luật riêng quy định về chế độ đối với thực tập sinh nước ngoài).
Theo Chương trình thực tập kỹ năng mới này, thời hạn thực tập của thực tập sinh Việt Nam sẽ được kéo dài lên 5 năm (trước đây chỉ đến 3 năm); đồng thời mở rộng thêm nhiều ngành nghề, lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong thời gian tới (bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm và chăm sóc sức khỏe).
Tiếp theo Chương trình này, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với phía Nhật Bản để hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trình độ cao, tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học sang Nhật Bản học tập và làm việc.
Được biết, chỉ trong giai đoạn từ năm 2014 - 2016, Việt Nam đã đưa được hơn 90.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Tới nay, hơn 100.000 thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản.
Hoàng Phúc