1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn

Vân Sơn

(Dân trí) - Đi sau nhiều quốc gia nhưng hoạt động Công tác xã hội trong bệnh viện của Việt Nam đã đón đầu mục tiêu vì con người.

Ngành nghề mới đậm tính nhân văn

Bị ung thư thanh quản giai đoạn muộn, sau thời gian dài chữa trị, gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt khiến bệnh nhân P.V.P. (63 tuổi) luôn trong tâm lý mệt mỏi, lo âu.

Bước vào giai đoạn hóa trị tại Trung tâm Ung Bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy ông như tìm lại niềm tin vào cuộc sống bởi sự ân cần của y bác sĩ và nhiệt tình của đội ngũ nhân viên Công tác xã hội.

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 1
Những người yếu thế luôn rất cần sự quan tâm giúp đỡ của cộng đồng để vượt qua cảnh khốn khó

Ông chia sẻ: "Họ đối xử với tôi như người thân trong nhà, đến đây chúng tôi có cảm giác như bước vào khách sạn, ghế ngồi êm ái, phòng ốc sạch sẽ, thoáng mát, nước uống, bánh ngọt… được phục vụ miễn phí, âm nhạc du dương như tưới mát cho tâm hồn. Bệnh viện không còn là nơi đáng sợ mà là nơi đáng sống bởi sự thay đổi trong cung cách hỗ trợ cho bệnh nhân giúp chúng tôi được tiếp thêm sức mạnh và nghị lực để vượt qua bệnh tật".

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 2

Người bệnh ung thư được phục vụ chu đáo tại khu hóa trị của Bệnh viện Chợ Rẫy

Đó là một trong rất nhiều hoạt động của lĩnh vực công tác xã hội bệnh viện đang được ngành y tế triển khai. Chia sẻ tại buổi lễ tổng kết 10 năm thực hiện đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành y tế (ngày 18/12), Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Từ những viên gạch đặt nền móng đầu tiền hơn 10 năm trước, đến nay chúng tôi đang tiến những bước dài trong nhiệm vụ hỗ trợ chăm sóc người bệnh qua đội ngũ cán bộ công nhân viên thuộc Phòng Công tác Xã hội".

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 3

Công tác xã hội trong bệnh viện đã hoạt động được 10 năm qua, được Bộ Y tế đánh giá cao

"Mối quan hệ bền chặt với các hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, Hội từ thiện, các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm… được xây dựng và duy trì tạo nguồn kinh phí cho bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện" - BS Tri Thức cho biết.

Theo đó, người bệnh không chỉ được chăm sóc, hỗ trợ về sức khỏe, tinh thần và tài chính trong quá trình điều trị tại bệnh viện mà còn được hướng dẫn, hỗ trợ sau khi xuất viện

Trong buổi lễ ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội tại TPHCM cho biết: "Việt Nam là quốc gia bị ảnh hưởng năng bởi biến đổi khí hậu đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh nên số người cần trợ giúp xã hội rất lớn. So với các nước phát triển công tác xã hộ đã xây dựng hơn một thế kỷ nhưng tại Việt Nam mới phát triển khoảng một thập kỷ".

Được biết, đây là ngành nghề mới còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng lĩnh vực hoạt động mang đậm tính nhân văn với mục tiêu phát triển vì con người.

Cần chắp cánh cho Công tác xã hội phát triển

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, sau hơn 10 năm phát triển, tỷ lệ nhân viên công tác xã hội trong bệnh viện đang ngày càng tăng lên.

"Đây là lực lượng ở tuyến đầu của các cơ sở y tế vừa tiếp nhận các nguồn viện trợ, hỗ trợ giúp bệnh nhân kinh phí điều trị, giúp đỡ chia sẻ cả các khó khăn tinh thần, mang đến tâm lý thoải mái, bớt lo lắng cho bệnh nhân khi điều trị tại bệnh viện. Giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, đội ngũ công tác xã hội bệnh viện đã hiện tốt công tác truyền thông vận động nguồn hỗ trợ về trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch… được Bộ Y tế đánh giá cao", PGS.TS.BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 4
Hoạt động cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân được thực hiện tại nhiều bệnh viện ở TPHCM

Hiện nay, nguồn nhân lực đã bước đầu được đào tạo cho ngành Công tác xã hội từ Trường Y tế Công cộng nhưng còn nhiều vấn đề phải làm để nâng cao năng lực chuyên môn nhân thức, kỹ năng cho nhân viên.

Chuẩn nghề nghiệp ở các quốc gia khác đã làm rất tốt nhưng Việt Nam đang còn trong quá trình xây dựng, định hướng phát triển công tác xã hội thành nghề chuyên nghiệp.

Đến nay nghề Công tác xã hội đã hoạt động theo đúng mục tiêu được Chính phủ đề ra nhưng hành lang pháp lý chưa rõ ràng gây nhiều khó khăn.

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 5
Nhân viên công tác xã hội là nhịp cầu nối bệnh nhân với y bác sĩ và cộng đồng

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị cần bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý, sớm ban hành chuẩn nghề nghiệp đối với nghề Công tác Xã hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kết nối của lĩnh vực công tác xã hội với các tổ chức bảo trợ cộng đồng, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp… vận động các khoản hỗ trợ cho người yếu thế của các tổ chức, cá nhân. 

Công tác xã hội tại bệnh viện - nghề nhân văn - 6
Cần phát triển công tác xã hội theo hướng chuyên nghiệp để hội nhập quốc tế

Nhằm triển thúc đẩy sự phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn của ngành Công tác Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án trên cơ sở mở rộng các phạm vi giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề cá nhân, gia đình, cộng đồng, bảo vệ quyền con người, đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội… trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.