Quảng Bình: 10 năm, trên 125 ngàn lao động nông thôn tham gia học nghề

Tiến Thành

(Dân trí) - 10 năm qua, Quảng Bình có trên 125.000 lao động nông thôn tham gia học nghề, trong đó gần 38.000 lao động được hỗ trợ đào tạo nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Chiều 16/12, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo các cấp tại Quảng Bình đã triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra và có nhiều kết quả tích cực. Các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại doanh nghiệp được tổ chức có hiệu quả. Nhiều chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Quảng Bình: 10 năm, trên 125 ngàn lao động nông thôn tham gia học nghề - 1

Quảng Bình tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 125.000 lao động nông thôn đã tham gia học nghề, trong đó, có gần 38.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách của Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Gần 80% lao động sau đào tạo nghề có việc làm đã góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, tại Quảng Bình còn có hơn 7.500 lượt cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng.

Quảng Bình: 10 năm, trên 125 ngàn lao động nông thôn tham gia học nghề - 2

Gần 38.000 lao động nông thôn tại Quảng Bình đã được hỗ trợ đào tạo nghề.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, người lao động; huy động nguồn lực cho công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động nữ, lao động nông thôn.

Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho người lao động sau đào tạo. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm