Công nhân trở lại nhà máy: "Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập"

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Công ty thông báo ra năm cắt giảm giờ làm thêm, vợ chồng anh Hưng cầm về quê 15 triệu đồng để ăn Tết nhưng chỉ dám tiêu 5 triệu, số còn lại dành dụm cho mấy tháng ít việc sắp tới.

Chiều một ngày cuối tháng 1, sau một tuần yên ắng, các khu nhà trọ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội đông vui trở lại. 15h chiều, cả khu nhà trọ tấp nập người ra vào, một số ở quê mới lên, số khác đã lên sớm... chờ việc.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 1

Tính đến ngày 31/1, hầu hết công nhân đã quay trở lại làm việc.

Mong đi làm trở lại

Chị Nguyễn Thị Mai (35 tuổi, quê Hòa Bình) có hơn 6 năm làm việc tại Công ty Hoyal Việt Nam ở khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Cuối năm 2022, công ty thông báo nghỉ Tết từ 11/1 (20 tháng Chạp năm Nhâm Dần) đến hết 7/2 (18 tháng Giêng năm Quý Mão), tức nghỉ gần trọn một tháng. Từ khi đi làm công nhân đến nay, với chị đây là kỳ nghỉ lễ dài "chưa từng có trong đời".

"Công việc bấp bênh nên cái Tết vừa rồi với chúng tôi không còn không khí nữa", chị Mai nói.

Năm 2022, công việc và thu nhập của chị Mai chỉ ổn định đến tháng 3. Từ tháng 4 cho đến cuối năm, công ty gặp khó khăn, giờ làm giảm chỉ còn 1 nửa. Bảy, tám tháng liên tiếp công nhân nghỉ luân phiên, ngày làm ngày nghỉ.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 2

Đang chờ đến ngày đi làm trở lại, chị Mai tranh thủ lên sớm cho con đi học và trông hộ con cho em trai.

Cùng lúc đó, công việc của chồng chị cũng bấp bênh nên thu nhập của cả hai vợ chồng không nổi 10 triệu/tháng, nguồn duy nhất duy trì cuộc sống cho gia đình 5 người nơi thành phố này.

Hết Tết, nhìn thấy đồng nghiệp ở quê nườm nượp trở lại Hà Nội làm việc, vợ chồng, con cái chị Mai cũng khăn gói lên sớm để con đi học, bố mẹ thì... chờ việc. Gần đến ngày đi làm trở lại, chị Mai vừa khấp khởi mừng, vừa lo.

"Công ty báo đến 9/2 đi làm trở lại nhưng không biết tới khi đó việc có đều hay không", chị Mai thở dài.

Từ khi nhận thông báo giãn việc, cuối năm vừa rồi chị Mai cùng nhiều công nhân khác chạy xin đi làm thêm thời vụ bên ngoài, thu nhập tuy không được như làm ở công ty nhưng với gia đình chị thời điểm đó "có bao nhiêu, đỡ bấy nhiêu".

"Các công ty họ thuê làm thời vụ mỗi buổi 200.000 đồng nhưng một tháng chỉ làm được 10 buổi rồi nghỉ. Nhiều công nhân đợt đó không có việc cũng ra ngoài đi kiếm việc làm thêm nên cơ hội với mỗi người lại ít đi. Bối cảnh đó, có việc để đi làm vẫn hơn là ở nhà không có tiền, cứ nghĩ thế để cố gắng.

Từ hôm ở quê ra đến nay mình cũng kiếm thêm công việc ngoài để làm trong lúc chờ công ty thông báo đi làm trở lại nhưng mới đầu năm nên cũng chưa kiếm được việc", chị Mai cho biết.

Công việc gặp khó khăn nhưng con vẫn phải đi học, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn nơi thành phố đắt đỏ. Giờ chị Mai chỉ mong những tháng tới đây công ty có đủ việc cho công nhân làm.

"Công ty ổn định thì còn mong được tăng ca nọ kia, giờ khó khăn như này chỉ mong có việc là mừng rồi chứ giờ chỉ lo mất việc. Có muốn xin đi làm chỗ khác thì các công ty khác trong khu công nghiệp cũng gặp khó khăn tương tự nên mình đâu biết làm gì ngoài chờ đợi.

Giờ chỉ lo nhất ốm đau, chứ khi công việc bình thường, hai vợ chồng đi làm, gia đình vẫn đủ ăn tiêu. Con tôi ở đây đi học cũng đang quen bạn nên vợ chồng tôi bảo nhau mấy cũng cố gắng bám trụ lại", chị Mai nói về dự định của bản thân, gia đình.

Năm mới phấn đấu "cày cuốc" gấp đôi 

May mắn hơn chị Mai đôi chút, anh Nguyễn Văn Hưng - công nhân công ty Fujikin Việt Nam vẫn có công việc ổn định suốt cả năm 2022. Anh khoe tháng trước Tết vẫn đi làm đủ 30 ngày, tiền lương tháng tới đủ lo cho cả nhà.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 3

Tháng tới bị cắt giảm ngày làm thêm, anh Hưng lo lắng nhưng vẫn lạc quan vì còn có việc làm.

Vừa khoe xong, giọng nam công nhân bỗng trùng xuống. Anh cho biết, công ty đã thông báo từ tháng 2 trở đi sẽ cắt giảm giờ làm thêm.

"Tháng 1 mình nhận đủ lương, còn tháng không được làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật thì thu nhập chắc chỉ còn 6-7 triệu/tháng. Cũng không biết cảnh khó khăn này sẽ kéo dài đến khi nào, thu nhập thế này vợ chồng mình bắt đầu thấy lo", anh Hưng nói.

Từ khi mới lên Hà Nội, công việc của anh Hưng vốn dĩ là làm ở bếp ăn trong khu công nghiệp. Cuối 2020, đầu 2021, dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, công nhân không còn ăn ở bếp, anh thất nghiệp rồi mới xin đi làm công nhân.

"Cuộc sống của hai vợ chồng mình từ đó đến giờ bấp bênh đủ thứ. Thời gian đầu đi làm công nhân, được tăng ca đều thì thu nhập mỗi tháng từ 10-12 triệu. Giờ lương của cả hai vợ chồng cộng lại mới bằng thu nhập của mình khi trước", anh Hưng nói.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 4

Cậu con trai 8 tháng tuổi giờ đây là động lực để vợ chồng anh Hưng cố gắng bám trụ lại Hà Nội.

Năm mới kể chuyện cũ, anh Hưng cho biết, Tết vừa rồi là năm đầu tiên trong nhà anh không có cành đào, chậu quất. Cầm hơn 10 triệu về quê, anh chỉ dám tiêu 1/3 cho những khoản cần thiết, cố gắng dành lại 1 khoản lo cho những tháng ngày tới.

"Trước Tết thấy mọi người gặp khó khăn, mình đoán rồi sẽ tới lượt mình nên hai vợ chồng không dám tiêu Tết nhiều, cố để lại mấy triệu chứ tiêu hết trong Tết thì ra Giêng thế này không biết sống kiểu gì", anh Hưng chia sẻ.

Những ngày đầu năm mới, vợ chồng anh Hưng động viên nhau, nhiều người còn mất hẳn việc, thất nghiệp, vợ chồng anh dù làm ít đi, lương sụt giảm nhưng vẫn là có việc làm.

"Hai vợ chồng giờ không nghĩ đến thu nhập nữa mà chỉ mong có việc để làm. Mình nhịn được chứ không thể để con nhịn, nên phải cố gắng xoay xở bằng được", anh Hưng quả quyết.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 5

Chị Hằng cảm thấy phấn khởi khi công việc vẫn được duy trì đều đặn.

Trở lại Hà Nội từ mùng 6 Tết, cả gia đình chị Phùng Thị Hằng (quê Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cảm thấy phấn khởi khi công việc vẫn đều đặn, trong khi cùng xóm trọ, người không có việc, người bị giảm giờ làm.

"Khu nhà dưới tầng 1, hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng", chị Hằng nói.

Nữ công nhân cho biết, đây là năm thứ 14 chị xa nhà làm công nhân ở Hà Nội. Hiện tiền lương của chị đang phải chăm lo cho cả gia đình 5 người. Chồng làm nghề tự do, khi gặp dịch Covid-19 thì thất nghiệp. Từ đó đến nay chị Hằng là trụ cột chính trong gia đình.

"Hơn 2 năm nay, chồng không có việc, con nhỏ nên anh ở nhà trông con phụ cho vợ yên tâm đi làm. Vất vả nhất là năm ngoái, cả 3 con với hai vợ chồng đều ở trên này, mẹ ở quê thì bệnh.

Thời gian đó làm đến đâu tiêu hết đến đấy, có lúc phải vay mượn thêm", chị Hằng kể lại khoảng thời gian phải nợ chủ nhà trọ đến 11 tháng tiền nhà.

Công nhân trở lại nhà máy: Có việc, giờ quan trọng hơn thu nhập - 6

Năm mới, chị Hằng tự dặn bản thân phải cố gắng gấp đôi để lo cho gia đình nhỏ của mình.

Tuy vậy, chị vẫn luôn giữ thái độ lạc quan. Với chị, không cần biết ngoài kia thế nào nhưng mọi chuyện cần nghĩ đơn giản vì nhu cầu cuộc sống biết bao nhiêu là đủ.

Tết vừa rồi, cả lương với thưởng Tết được 20 triệu, chị cầm về quê trả nợ 6 triệu, còn 14 triệu chị chỉ tiêu một chút cho mấy ngày Tết, còn cố gắng tiết kiệm, giữ lại phòng khó khăn.

"Ra Tết cũng lo công việc bị ảnh hưởng nhưng may quá đến giờ này việc ở bộ phận mình làm vẫn đều đều. Cứ khỏe mạnh thì mình còn cố gắng đi làm kiếm tiền được. Đến đâu hay đến đó, không ốm đau là được", chị Hằng bộc bạch.