Thương hồ chợ nổi Cần Thơ "gồng mình" cầm cự qua mùa dịch

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) không còn tấp nập kẻ bán, người mua. Thất nghiệp hơn 3 tháng, nhiều thương hồ nghĩ đến chuyện lên bờ mưu sinh nhưng cũng khó.

Thương hồ chợ nổi Cần Thơ "gồng mình" trong Covid-19

Thất nghiệp triền miên

Những ngày giãn cách đầu tháng 9, không khí của khu chợ nổi Cái Răng im lặng đến lạ thường. Sự yên tĩnh đến độ người trên bờ có thể nghe rõ tiếng nổ máy vọng lại từ xa, tiếng trẻ con trên ghe đang cười đùa.

Theo bà Đặng Thị Thảo, một tiểu thương trên chợ nổi đã 20 năm, thương hồ mưu sinh tại chợ nổi có 2 nhóm người: Một nhóm đi các ghe lớn thu mua trái cây từ khắp nơi rồi đổ dồn về chợ nổi để trao đổi hàng hóa. Nhóm còn lại là thương hồ "bán hàng rong" với đặc trưng là bán trái cây, đồ ăn, thức uống cho khách du lịch.

Thương hồ chợ nổi Cần Thơ gồng mình cầm cự qua mùa dịch - 1

Chợ nổi Cái Răng vắng lặng từ lúc giãn cách xã hội nằm im lìm bên con nước.

"Từ ngày dịch bệnh và giãn cách xã hội, chợ nổi không còn du khách, số thương hồ giảm đáng kể. Một số đã về quê từ trước, số còn lại vẫn cố bám lại Cần Thơ, cố lay lắt mà sống qua ngày, họ sinh hoạt, ăn ngủ cả trên ghe", bà Đặng Thị Thảo chia sẻ.

Nhưng khổ nhất vẫn là những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Đa phần là người ở Cần Thơ hoặc các tỉnh lân cận, họ thường thuê nhà trọ ven sông gần chợ nổi để tiện việc bán mua. 

Thương hồ chợ nổi Cần Thơ gồng mình cầm cự qua mùa dịch - 2

Chị Phạm Hồng Loan phải vay mượn bà con, bạn bè để có tiền trang trải cuộc sống trong mùa dịch do nghỉ bán hàng mấy tháng nay.

Theo lời bà Đặng Thị Thảo chỉ dẫn, chúng tôi tìm tới xóm nhà trọ của thương hồ chợ nổi. Dãy nhà cũ nát nằm sát mé sông. Ở đây có 6 căn phòng trọ chính là nơi trú ngụ của hơn 10 người dân. 

Chị Phạm Hồng Loan (35 tuổi) - một thương hồ - cho biết: "Ba tháng nay, tôi không làm ra đồng nào trong khi tiền nhà trọ, tiền sinh hoạt của cả gia đình tiêu tốn hết gần 6 triệu đồng mỗi tháng".

Một ngày, chị kiếm được chừng 200 nghìn đồng, làm hôm nào thì ăn hết hôm đó. "Dịch bệnh kéo dài, tôi đã tiêu hết những đồng tiền cuối cùng", chị Phạm Hồng Loan rầu rĩ nói.

Thương hồ chợ nổi Cần Thơ gồng mình cầm cự qua mùa dịch - 3

Ông Mai Văn Hùng thất nghiệp mấy tháng nay giờ muốn bán ghe lên bờ mưu sinh cũng không ai mua.

Ông Mai Văn Hùng (57 tuổi) bán trái cây hơn 20 năm ở "khu chợ bồng bềnh" buồn bã kể: "Trước dịch, với 2 ghe bán trái cây dạo, mỗi ngày gia đình tôi kiếm được từ 200.000-300.000 đồng. Giờ mất thu nhập, lại bệnh tật trong người, tiền ăn còn không có lấy đâu ra tiền mua thuốc. Tôi rao bán ghe máy nhiều ngày nay nhưng không ai hỏi mua cả. Chắc họ cũng như tôi, lúc này ai cũng khó".

Vơi đi phần nào sự khó khăn

Trước những hoàn cảnh khó khăn của bà con ở chợ nổi, chính quyền phường Lê Bình đã nhiều lần vận động mạnh thường quân hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm, thuốc men cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Trước đó, phường đã kết hợp với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức trao 650 túi thuốc tình thương cho người dân, ngoài ra, mỗi hộ còn nhận được rau củ và gạo.

Thương hồ chợ nổi Cần Thơ gồng mình cầm cự qua mùa dịch - 4

Ông Trần Mạnh Hùng (bên phải) - Trưởng khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ trao túi thuốc yêu thương cùng gạo và rau củ cho các hộ gặp khó khăn ở chợ nổi.

Theo bà Bùi Thị Bích Phượng - Phó Chủ tịch UBND phường Lê Bình, bên cạnh giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho bà con, phía địa phương sắp tới sẽ tổ chức trao tập vở cho các em học sinh ở chợ nổi nhân dịp năm học mới.

"Khi nghe nói Sở Giáo dục và Đào tạo ở Cần Thơ có chủ trương xem xét miễn giảm học phí cho học sinh tôi rất mừng cho bà con ở chợ nổi nói riêng và cả phường nói chung. Đề nghị này rất thiết thực và có ý nghĩa với các bậc phụ huynh đang gặp khó khăn vì dịch bệnh", bà Bùi Thị Bích Phượng cho hay.