Công nghệ, máy móc cũ có giúp thợ giỏi tạo năng suất lao động cao?
(Dân trí) - “Năng suất lao động của một quốc gia phụ thuộc vào mức độ hiệu quả sử dụng lao động kết hợp với các yếu tố quan trọng như số lượng và chất lượng máy móc, công nghệ được sử dụng. Nếu chỉ căn cứ vào NSLĐ kết luận lao động Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng”.
Phân tích mới của chuyên gia đã chỉ ra đặc thù cơ cấu nền kinh tế là một trong những nguyên nhân của sự khác biệt về NSLĐ.
Trước đó, Khảo sát của ILO cho thấy, NSLĐ của lao động Việt Nam năm 2013 chỉ bằng 1/15 lần so với năng suất lao động của người Singapore, 1/11 lần với Nhật Bản, 1/10 lần với Hàn Quốc, 1/5 lần với Malaysia và 2/5 với Thái Lan…
NSLĐ không phản ánh sự chuyên cần
Theo ông Malte Luebker, NSLĐ không phải là yếu tố chứng tỏ sự chuyên cần của đội ngũ lao động trong một quốc gia.
“Không thể đánh giá NSLĐ thông qua trực quan như vậy. NSLĐ của một quốc gia hầu như không thể phản ánh mức độ chuyên cần và khả năng của người lao động của quốc gia đó”.
Theo chuyên gia này, NSLĐ tổng cũng không cho thấy được sự khác nhau về NSLĐ giữa các ngành, nghề. Đặc biệt là sự khác nhau giữa các nhóm doanh nghiệp.
Ông Malte Luebker nói: “Nếu chỉ căn cứ vào các thống kê về NSLĐ mà kết luận người lao động ở Malaysia hoặc Singapore có thể tạo ra một sản phẩm cụ thể nào đó nhanh hơn người lao động ở Việt Nam là không đúng”.
Giải thích về sự chênh lệch lớn giữa NSLĐ của Việt Nam và một số quốc gia Asean trong kết quả khảo sát vừa qua, ông Malte Luebker nói:
“Ở một cấp độ rộng hơn, NSLĐ là một hàm số phản ánh cơ cấu kinh tế của một quốc gia. Báo cáo của ILO/ADB gần đây cho thấy NSLĐ trong ngành chế tạo và các dịch vụ cao cấp cao hơn rất nhiều so với ngành nông nghiệp.
Việt Nam còn một bộ phận lớn lực lượng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp, điều này lý giải mức NSLĐ chung thấp hơn.
Ông Malte Luebker bổ sung thêm, những quốc gia có nhiều lao động làm việc trong nền kinh tế phi chính thức có thể có NSLĐ chung thấp, vì người lao động ít được tiếp cận với công nghệ mới hoặc hiện đại nhất.
Như vậy, NSLĐ được hiểu đúng là gì, thưa ông?
- NSLĐ được định nghĩa là số lượng sản phẩm (GDP) được tạo ra trên một đơn vị người lao động làm việc (hoặc trên mỗi giờ lao động). Theo hướng dẫn về đo lường năng suất của OECD (Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), NSLĐ dựa trên giá trị gia tăng là thông số phổ biến nhất để tính toán NSLĐ.
Khi phân tích các thị trường lao động, thông số này thường được ưa chuộng hơn chỉ số về GDP trên đầu người (GDP trên đầu người được tính bằng tổng GDP chia cho tổng dân số, bao gồm cả trẻ em và người hưởng lương hưu).
NSLĐ có vai trò quan trọng để xác định mức lương. Báo cáo mới đây của ILO/ADB về Cộng đồng ASEAN 2015 cho thấy những quốc gia có NSLĐ cao thường có mức lương cao hơn.
Thưa ông, trong bối cảnh đó, việc tăng NSLĐ có vai trò ra sao với lao động Việt Nam?
- Báo cáo gần đây của ILO/ADB chỉ ra rằng, tăng NSLĐ đóng vai trò quan trọng đối với việc tăng lương thực tế và cải thiện mức sống của người lao động trong dài hạn.
Khi mức giá trị gia tăng bình quân trên mỗi người lao động tăng lên, doanh nghiệp có thể có khả năng trả lương cao hơn trong khi vẫn duy trì khả năng cạnh tranh.
Bởi vậy, bằng cách tăng NSLĐ, Việɴ Nam có thể cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu dựa trên NSLĐ cao thay vì dựa vào mức lương thấp.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa NSLĐ cao hơn và mức lương cao hơn không phải ngẫu nhiên mà có. Các quốc gia cần xây dựng những thể chế xác định tiền lương vững chắc để đảm bảo rằng việc tăng NSLĐ có thể mang lại mức lương cao hơn cho người lao động.
Việt Nam làm thế nào để tăng NSLĐ, thưa ông?
- Có hai cách, một là tăng hiệu quả của ɣác ngành công nghiệp chính bằng cách áp dụng công nghệ mới, nâng cấp máy móc và đầu tư vào đào tạo kỹ năng và đào tạo nghề.
Tuy nhiên, NSLĐ có thể tăng nhiều nhất thông qua cách thứ hai là chuyển dịch sang các hoạt động có giá trị gia tăng lớn hơn.
Bởi vậy, các quốc gia cần chuyển dịch từ nông nghiệp và các ngành dịch vụ cấp thấp sang các ngành chế tạo và các ngành dịch vụ cao cấp.
Để làm được điều này, Việt Nam cần cung cấp cơ sở hạ tầng có chất lượng, hệ thống giáo dục và phát triển kỹ năng tốt, và các doanh nghiệp cần có khả năng đầu tư và nắm bắt cơ hội.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh (thực hiện)
Theo ông Malte Luebker, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AɅC) hình thành cuối năm 2015 sẽ tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có NSLĐ thấp sang các ngành có NSLĐ cao. Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo, đặc biệt là ở cấp phổ thông trung học và cải thiện chất lượng của các cơ sở đào tạo nghề, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội này.