Năng suất lao động Việt thuộc nhóm thấp nhất Châu Á

Năng suất lao động Việt Nam thấp nhất khu vực, trong khi lương tiếp tục tăng khiến lợi thế lao động giá rẻ mất dần. Nhà đầu tư nước ngoài thẳng thắn: Không vì lao động giá rẻ họ sẽ chọn đầu tư vào nước khác.

Năng suất lao động Việt thuộc nhóm thấp nhất Châu Á
Dạy nghề cho lao động sát với nhu cầu thị trường đang là vấn đề lớn của ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Đầu tư chỉ vì nhân công rẻ?

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một nhà đầu tư lớn của Đài Loan tại Việt Nam (xin giấu tên) cho biết, một nghiên cứu tại Đài Loan chỉ ra rằng, ngư dân Đài Loan thuê ngư dân các nước trong khu vực sang làm việc đã đưa ra so sánh: Người Hoa ở Trung Quốc có 90% làm được công việc của người Hoa Đài Loan; Philippines và Thái Lan được 70%; Indonesia được 50%; cuối cùng là người Việt chỉ được 30%. “Bản thân tôi cũng cảm nhận đúng như thế”, ông nói.

Nhà đầu tư này dẫn chứng, gia đình ông thuê một người giúp việc người Việt, hằng ngày chỉ lau dọn 2 tầng của ngôi nhà, khi ông bảo làm thêm việc khác thì nhất quyết không làm, nếu làm phải giảm phần việc cũ. Ở công ty, ông không ít lần chứng kiến công nhân làm ca đêm tìm góc tối để ngủ thay vì làm việc. Vì vậy, ở Việt Nam, các công ty thường thích tuyển lao động nữ vì chăm chỉ và chịu khó hơn lao động nam.

Không ít nhà đầu tư nước ngoài thẳng thắn, họ bỏ vốn vào Việt Nam vì nhân công rẻ hơn Trung Quốc. Những năm 2007-2008, nhiều xí nghiệp tại Trung Quốc chuyển sang Việt Nam, do khi đó Trung Quốc có chính sách thu phí bảo lãnh lao động. Tuy nhiên, khi sang Việt Nam, do năng suất lao động Việt Nam thấp hơn Trung Quốc, nên công ty lại phải đầu tư thêm dây chuyền và tuyển thêm người.

Một nhà thầu Trung Quốc so sánh, một lao động nước họ mỗi ngày buộc được 100kg thép, nhưng lao động Việt Nam chỉ buộc được 35kg. Để nâng công suất lao động Việt Nam, họ phải bố trí một lao động Trung Quốc đi với vài lao động Việt Nam để tạo sự cạnh tranh. Nhờ đó, bình quân mỗi lao động buộc được 70kg thép.

Về thủ tục hành chính của Việt Nam, nhà đầu tư Đài Loan nói: “Ở Việt Nam muốn xin được các loại giấy phép và đối phó với đủ bộ ngành không dễ”. Ông kể, năm 2000, khi mới tới Hà Nội làm việc, ban đầu là công an phường tới làm việc, rồi tới công an khu vực. Sau đó, một chị mặc thường phục giới hiệu là công an quản lý người nước ngoài cũng tới.

“Sau khi làm việc xong với chị đó, tôi hỏi: “Đơn vị quản lý người nước ngoài ở đây còn ai chưa tới không, để tôi chuẩn bị đón tiếp? - Chị ấy nói là trên chị ấy còn một cấp nữa. Nói chung là rắc rối”, nhà đầu tư Đài Loan lắc đầu. Thậm chí, nhân viên công ty điện lực cũng tới đòi hỏi.

Lần khác ông tới Sở Tư pháp Hà Nội đăng ký kết hôn với người Việt Nam, dù giờ hành chính bắt đầu từ 7h30, nhưng để chắc ăn, ông hẹn 9h tới. Tới giờ hẹn vẫn chưa thấy nhân viên đâu. Phải 30 phút sau chị nhân viên mới tới với tay cầm dao, tay xách thịt. Làm việc tới 11h thì chị này về nấu cơm.

“Năng suất lao động phụ thuộc vào việc mỗi người chấp hành quy định ra sao. Như nhân viên Sở Tư pháp, nếu chị ấy tới đúng giờ, cả tôi và chị ấy sẽ làm được những việc tiếp theo. Việc đầu bị chậm, những việc sau đó của tôi đều bị ảnh hưởng. Quan điểm, trình độ như vậy làm cho năng suất lao động thấp đi”, nhà đầu tư này nói. Ông cho biết, nếu không phải lao động giá rẻ, chắc chắn ông sẽ chọn các nước khác để đầu tư.

Gốc từ giáo dục

Tại hội thảo cách đây hai ngày, Thứ trưởng KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng cho biết: Nền kinh tế nước ta hiện nay đã bộc lộ không ít yếu kém nội tại, như năng suất lao động thấp; chưa thu hẹp được khoảng cách về năng suất lao động so với các nước trong khu vực.

TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, ĐH QGHN) cho biết, việc giáo dục, đào tạo, môi trường xã hội và lao động hình thành nên tác phong công nghiệp. Lực lượng lao động Việt Nam rất lớn, lại rẻ, nên các cơ quan quản lý chưa quan tâm đúng mức tới định hướng nâng cao chất lượng và ý thức lao động, để mỗi cá nhân tự rèn luyện. “Việc đào tạo chỉ lấy lệ, các trường không có cạnh tranh nhau để tạo ra lao động chất lượng tốt hơn. Đào tạo nghề không theo nhu cầu thị trường, chỉ đào tạo cho có. Người học chuyên nghiệp chỉ để lấy bằng, chứng chỉ cho có về xin việc, nên không thực chất”, TS Thành nói.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), muốn nâng cao năng lực cạnh tranh không còn cách nào khác là nâng cao năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Theo các chuyên gia, để nâng cao năng suất lao động phải thay đổi từ gốc, từ giáo dục phổ thông trở lên và các chính sách đi kèm hợp lý. Theo nhà đầu tư Đài Loan, năng suất lao động ở Việt Nam có thể nâng cao, với điều kiện có cơ chế quản lý phù hợp, nghiêm minh, đưa lao động vào khuôn khổ, không bừa bãi.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 15, 11 và 10 lần. Ngoài ra, tốc độ tăng của năng suất lao động Việt đang giảm dần.