Đại biểu Quốc hội:

Công chức phải sống được bằng lương, thu nhập khá trong xã hội

Hoa Lê

(Dân trí) - Để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quan tâm đến chế độ tiền lương hợp lý cho cán bộ, công chức.

Điều chuyển 112.000 cán bộ, công chức

Sáng 21/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là việc làm rất cần thiết và tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược.

Theo đại biểu, trong năm 2023, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, rõ rệt.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh nêu trong báo cáo của Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành, địa phương đã tiến hành 18.000 cuộc kiểm tra tại 156.708 cơ quan, tổ chức đơn vị.

Công chức phải sống được bằng lương, thu nhập khá trong xã hội - 1

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Ảnh: Quốc hội).

Qua đó, tiến hành trên 15.000 cuộc kiểm tra thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 900 vụ việc vi phạm, 1.400 người vi phạm và kiến nghị thu hồi, bồi thường 672 tỷ đồng.

Trong nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác việc làm đối với gần 112.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, đã thụ lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử. 

Trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân, đại biểu cho biết, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân.

"Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử", đại biểu nêu.

Hoàn thiện chế độ tiền lương

Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất cần phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.

"Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay", đại biểu Bố Thị Xuân Linh, nhấn mạnh.

Công chức phải sống được bằng lương, thu nhập khá trong xã hội - 2

Quan tâm đến chế độ tiền lương của công chức, viên chức (Ảnh: Hoa Lê).

Bên cạnh đó, nữ đại biểu cho rằng, cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng về công tác phòng chống tham nhũng.

Đặc biệt, theo đại biểu, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Bởi, lương và phụ cấp là những khoản thu chính, nguồn sống chính của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chính sách lương, phụ cấp còn bất cập.

"Góp phần công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống cán bộ, công chức, viên chức. Làm sao để cán bộ, công chức có thể sống được bằng lương, thu nhập, thu nhập của họ tương đương với thu nhập khá trong cộng đồng xã hội", đại biểu kiến nghị.

Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, đại biểu cho biết cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…