Đại biểu Quốc hội:

Đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, cùng lúc cải cách lương công chức

Hoa Lê

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia đốc thúc việc thương lượng, đàm phán lương sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động ở khu vực doanh nghiệp từ 1/7/2024.

Thảo luận tại hội trường Quốc hội về kinh tế - xã hội chiều 31/10, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm.

Song đại biểu này nhìn nhận, vẫn còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động.

Đại biểu lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước.

Vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại báo cáo trình Quốc hội, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt thực hiện chỉ tiêu này. 

Đề nghị tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024, cùng lúc cải cách lương công chức - 1

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Ảnh: Quốc hội).

Về giải pháp trong thời gian tới, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho hay, tại kỳ họp này, Chính phủ đã báo cáo việc thực hiện các kế hoạch, chương trình 5 năm gửi đến Quốc hội, trong đó, đề xuất 52 nhóm giải pháp và nhiệm vụ.

Về giải pháp tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa, đại biểu đề nghị tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp. Đại biểu nhất trí kéo dài thời gian giảm thuế VAT (thuế giá trị gia tăng) đến hết 30/6/2024.

Đồng thời, ông Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng, đàm phán sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động, bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024, cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương với khu vực công. 

Về số giờ làm việc của người lao động, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công. Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới. 

Trước đó, Phó cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH Tống Văn Lai cho hay, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Chính phủ lùi thời gian trình phương án tăng lương tối thiểu tới cuối năm nay.

Theo ông Lai, dự kiến cuối tháng 11, phiên thương lượng, đàm phán lương thứ hai của Hội đồng tiền lương quốc gia mới diễn ra. Sau phiên họp bàn này, Hội đồng tiền lương quốc gia mới thống nhất và trình đề xuất lên Chính phủ. Do vậy, việc điều chỉnh lương tối thiểu chắc chắn không kịp thực hiện vào đầu năm sau.

Đầu tháng 8/2023, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên, bàn thảo về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024. 

Kết thúc phiên họp thứ nhất vào sáng 9/8, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất thời điểm họp các phiên tiếp theo vào quý IV năm 2023 thay vì vào tháng 7, 8 như thông lệ.