Lần đầu tiên Việt Nam lo dạy nghề, tìm việc cho người cao tuổi

Nguyệt Anh

(Dân trí) - Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần đầu tiên nêu những chính sách riêng cho người lao động cao tuổi, gắn với bối cảnh già hóa dân số nhanh tại Việt Nam.

Theo Điều 14 của dự thảo Luật, người lao động là người cao tuổi sẽ được hỗ trợ theo ba hướng chính.

Thứ nhất, người cao tuổi có thể tiếp cận vốn vay để tự tạo việc làm, duy trì hoặc mở rộng công việc hiện có từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Thứ hai, người cao tuổi cũng có thể được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao kỹ năng nghề nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia thị trường lao động.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định người cao tuổi được tạo điều kiện để tham gia các kỳ đánh giá và được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nhằm công nhận chính thức tay nghề của họ - yếu tố cần thiết trong quá trình xin việc hoặc chuyển đổi nghề.

Đáng chú ý, khoản 4 của điều luật này còn đưa ra định hướng lâu dài hơn khi nhấn mạnh Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ việc làm, đào tạo lại hoặc chuyển đổi nghề cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách.

Đây là lần đầu tiên già hóa dân số được đề cập như một yếu tố có tác động trực tiếp đến chính sách việc làm trong hệ thống pháp luật về lao động.

Lần đầu tiên Việt Nam lo dạy nghề, tìm việc cho người cao tuổi - 1

Thực tế ngày càng nhiều người quá tuổi lao động vẫn làm việc tại khu vực sản xuất (Ảnh: ĐL).

So với Luật Việc làm hiện hành (năm 2013), nội dung này là một bước tiến rõ rệt. Luật cũ không có bất kỳ điều khoản riêng nào dành cho người cao tuổi. Mọi chính sách về vay vốn, đào tạo hay hỗ trợ việc làm đều mang tính phổ quát, khiến nhóm nhân lực lớn tuổi - vốn có đặc điểm riêng về khả năng tiếp cận thông tin, điều kiện sức khỏe hoặc định kiến tuổi tác - gặp khó khăn trong việc thụ hưởng. Khi không có địa chỉ chính sách cụ thể, nhiều địa phương cũng không có cơ sở pháp lý để thiết kế các chương trình hỗ trợ riêng cho nhóm này.

Theo quy định hiện hành, người cao tuổi là công dân nam từ đủ 60 tuổi trở lên và nữ từ đủ 55 tuổi trở lên. Đây cũng là độ tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật lao động trước năm 2019. Trong thực tế hiện nay, ở độ tuổi đó, nhiều người vẫn tiếp tục muốn làm việc, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và lao động phi chính thức. Các nhóm lao động này thường làm những công việc không đòi hỏi thể lực cao nhưng vẫn mang lại thu nhập ổn định như sửa chữa, làm nghề thủ công, kinh doanh nhỏ, dịch vụ gia đình hay sản xuất nông nghiệp quy mô hộ.

Tuy vậy, nhiều rào cản vẫn tồn tại. Người cao tuổi thường bị gạt khỏi các chương trình đào tạo nghề vì bị xem là "không còn thích hợp để đầu tư dài hạn". Họ cũng khó tiếp cận các khoản vay, đặc biệt là từ nguồn tín dụng chính sách, do vướng điều kiện bảo đảm tài sản hoặc hồ sơ phức tạp. Việc thiếu chứng chỉ kỹ năng nghề - dù nhiều người có tay nghề vững - khiến họ gặp bất lợi khi chuyển đổi nghề hoặc tìm việc trong các khu vực sản xuất chính thức.

Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa nhanh, việc thiết kế chính sách việc làm riêng cho người cao tuổi không chỉ mang ý nghĩa an sinh, mà còn là chiến lược sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm.

Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, nếu được thông qua với những nội dung như đã nêu, có thể là bước khởi đầu quan trọng để đưa người cao tuổi ra khỏi "vùng mờ" của chính sách, trao cho họ thêm công cụ để làm việc, kiếm sống và sống có ích.