Chuyên gia: "Giảm giờ làm thêm chỉ khuyến khích sự lười biếng"

(Dân trí) - "Nếu như giờ làm giảm, giảm cả giờ làm thêm thì chỉ bảo vệ những người lao động lười biếng và khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không tăng phúc lợi cho người dân và người lao động", Tiến sĩ Cung nói.

Đây là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung tại Hội thảo Môi trường kinh doanh 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business, kết quả và một số gợi ý chính sách vừa được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 28/10.

Tại Hội thảo, bên cạnh bàn về vấn đề về môi trường kinh doanh Việt Nam, câu chuyện được giới chuyên gia, người trong cuộc bàn thảo nhiều nhất là đề xuất giảm giờ làm, giảm giờ làm thêm đang được đưa lên lấy ý kiến của Quốc hội.

Quốc gia nào thoát nghèo phải làm việc chăm chỉ

Tại Hội thảo, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: “Lẽ ra phải truyền cho toàn dân tinh thần chăm chỉ thì dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lại dẹp bớt tinh thần chăm chỉ. Không muốn lao động mà muốn giàu có, muốn giàu có lại muốn ít làm, muốn ít làm lại đòi cuộc sống cao, làm gì có chuyện đó được”.

Chuyên gia: Giảm giờ làm thêm chỉ khuyến khích sự lười biếng - 1

Ông Đỗ Cao Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT

Theo ông Bảo, làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Ông này cho rằng: Có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế.

“Ai muốn làm thêm? Rất nhiều, văn nghệ sĩ, giáo viên, vận động viên, kiến trúc sư, lập trình viên, người kinh doanh… họ làm vì đam mê, muốn tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, họ yêu nghề nghiệp, ấy thế mà ta lại khống chế, không cho họ làm. Đó là đi ngược với mong muốn của con người”, ông Bảo nói.

Theo ông Bảo, nếu nhà nước muốn bảo vệ cho những người không muốn làm thêm giờ thì nên tìm cách khác chứ không nên quy định cứng như trong dự luật.

Chuyên gia: Giảm giờ làm thêm chỉ khuyến khích sự lười biếng - 2

TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Phó Tổng giám đốc FPT cũng giải thích sở dĩ cộng đồng doanh nghiệp muốn nâng số giờ làm thêm trong năm là do bản chất của hoạt động kinh doanh, do nhu cầu của thị trường chứ không phải là doanh nghiệp muốn bóc lột người lao động.

"Chả ông nào thoát nghèo được ngoài chăm chỉ cho dù giỏi mấy đi nữa. Quốc gia cũng vậy, nước nghèo muốn giàu mà người dân không chăm chỉ thì chẳng có cách nào khác", Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT nói.

Đã nghèo thì phải chăm chỉ hơn mới giàu có được

Tến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói: Đề xuất cắt bỏ giờ làm thêm trong dự thảo Luật đã có hướng tiếp cận không đúng bản chất.

"Theo tôi, cách tiếp cận của Luật Lao động về vấn đề giờ làm thêm không còn phù hợp với xu thế, thời đại ngày nay. Nếu như, giờ làm giảm, giảm cả giờ làm thêm thì chỉ bảo vệ những người lao động lười biếng và khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không tăng phúc lợi cho người dân và người lao động", Tiến sĩ Cung nói.

"Không thể giàu có lên mà không lao động", ông Cung nói.

"Chúng ta phải khuyến khích sự chăm chỉ, năng động, sáng tạo thì mới tạo ra giá trị gia tăng cho họ, tăng được thu nhập cho người lao động và tăng được sự cạnh tranh, thịnh vượng của một quốc gia", ông Cung phân tích.

Tiến sĩ Cung nhấn mạnh: "Người giàu cũng rất chăm chỉ, chứ không chỉ người nghèo, nhưng nghèo thì phải chăm chỉ hơn thì mới giàu có được".

An Linh