Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Sẽ không đề xuất giờ làm thêm khi kinh tế Việt Nam bằng ...2/3 của Singapore"

(Dân trí) - “Thực tế tại Việt Nam có một số ngành nghề gặp áp lực lớn về thời gian xuất hàng, mùa vụ. Điều này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu linh hoạt và đánh giá tác động trong thiết kế chính sách về giờ làm thêm trong dự thảo sửa đổi Luật Lao động 2012…”.

Sẽ không đề xuất giờ làm thêm khi kinh tế Việt Nam bằng ...2/3 của Singapore - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Công ty May 10, sáng 17/9 tại Hà Nội.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chủ tịch HĐQT Tổng công ty May 10 nhấn mạnh việc kiến nghị tăng khung giờ làm thêm trong năm từ 300 lên 400 giờ/năm. Đây là điều cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Về tuổi nghỉ hưu, đại diện Tổng Công ty May 10 cho rằng nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu nên có lộ trình. Đồng thời quy định cụ thể theo từng nhóm, trong đó có nhóm nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu chung 5 tuổi - vì công nhân may thường bị suy giảm khả năng lao động do tính chất công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại.

“Nghỉ hưu sớm 5 năm nhưng người lao động vẫn phải được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, những lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao thì cần được kéo dài tuổi nghỉ hưu” - đại diện Tổng Công ty May 10 nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi người lao động tại Tổng Công ty may 10

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao khi thấy Tổng công ty May 10 đã có nhiều cách làm vì người lao động, qua đó đời sống và thu nhập của người lao động ổn định hơn.

Bộ trưởng khẳng định: "Nơi nào lương cao, thu nhập ổn định, bảo đảm an sinh, từ chăm lo sức khỏe, đầu tư trường học thì người lao động sẽ gắn bó, không bỏ việc. Điều này cho thấy sự ổn định, gắn bó của 12.000 người lao động đối với Tổng Công ty May 10”.

Về vấn đề giờ làm thêm, Bộ trưởng cho rằng việc thiết kế thời gian làm thêm đòi hỏi sự hài hoà quyền lợi 2 bên và tạo sự phát triển cho nền kinh tế.

Ví von về thực tế và xuất phát điểm của nền kinh tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết nền kinh tế còn khó khăn nên không thể không bàn về việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm. 

“Khi Việt Nam giàu bằng 2/3 Singapore, tôi sẽ không đề xuất giờ làm thêm” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về việc tăng tuổi hưu, Bộ trưởng khẳng định đây là xu hướng tất yếu: “Nếu không làm bây giờ thì con cháu chúng ta sẽ gặp những khó khăn về tuổi làm việc. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang thiếu lao động”.

Liên quan tới vấn đề lao động nữ, Bộ trưởng lưu ý phải đảm bảo vai trò lựa chọn công việc phù hợp.

“Thực tế có thể có một vào trường hợp vướng mắc nhưng không phổ biến. Với phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, chúng ta phải ứng xử theo đúng tinh thần các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Luật Lao động là luật gốc về lĩnh vực lao động việc làm. Ngoài ra, còn nhiều luật khác cũng điều chỉnh vấn đề lao động, như: Luật BHXH, Luật Bình đẳng giới…

Hoàng Mạnh