Chuyện thưởng Tết "năm Covid thứ hai":

Chi thưởng "rực rỡ" 200 triệu đồng không phải vì chơi trội

Xuân Hinh

(Dân trí) - Một năm khủng hoảng về doanh thu nhưng nhiều doanh nghiệp sẵn sàng "bóp bụng" để chi thưởng cho công nhân 60 triệu đồng, nhân viên xuất sắc từ 100 - 200 triệu đồng…

Tiền thưởng Tết để sửa nhà cho mẹ

Chi thưởng rực rỡ 200 triệu đồng không phải vì chơi trội - 1

Công nhân Lê Văn Thành mong nhận được thưởng Tết để về sửa nhà cho mẹ.

Hơn 15 năm xa xứ lên TPHCM mưu sinh, tháng cuối năm nào chàng công nhân Lê Văn Thành (34 tuổi, quê Bến Tre, ngụ TPHCM) cũng "mất ăn mất ngủ" chờ thưởng Tết. Với anh, thưởng Tết giống như quả ngọt sau một năm vất vả và là món quà "lớn" để anh tặng người mẹ già ở quê.

"Năm đầu tiên lên thành phố làm công nhân, tôi được thưởng Tết gần 3 triệu đồng. Tôi lấy ra 1 triệu đi mua cho mẹ 2 bộ đồ mới để ăn Tết, 2 triệu tôi bỏ bao thư để mang về làm quà tặng mẹ tiêu Tết. Trên đường chạy về tôi cứ sợ rớt bộ đồ của mẹ, sợ rơi bao thư số tiền cho mẹ sắm sửa Tết nên lâu lâu lại đưa tay vào kiểm tra coi mọi thứ còn đầy đủ không. Khi về đưa cho mẹ, nhìn thấy mẹ cười thật hạnh phúc thì tôi mới an tâm. Cảm giác đó tôi không bao giờ quên và tôi dặn lòng thưởng Tết luôn dành cho mẹ", anh Thành kể về kỷ niệm lần đầu nhận thưởng Tết.

Anh Thành cho biết, anh sinh ra ở một vùng quê nghèo, từ nhỏ anh đã được mẹ thương yêu và dành cho những điều tốt đẹp nhất. Do vậy, từ nhỏ anh đã tự dặn mình sau này lớn lên sẽ cố kiếm thật nhiều tiền để cuộc sống của gia đình bớt nghèo và để mẹ bớt khổ. Học hết lớp 9, anh nghỉ học và bắt đầu xin đi làm công nhân để phụ giúp mẹ nuôi gia đình.

Chi thưởng rực rỡ 200 triệu đồng không phải vì chơi trội - 2

Nhiều công nhân tích cực tăng ca dịp Tết để mong kiếm thêm ít tiền lo cho gia đình.

"Bao nhiêu năm, cảm giác mỗi dịp Tết của tôi cũng không thay đổi khi lĩnh thưởng Tết. Năm ngoái, tôi được thưởng 11 triệu đồng. Nhận tiền ngày 28 Tết, hôm sau tôi chạy xe máy thẳng về quê gửi cho mẹ để mẹ, thấy mẹ cười là mọi khổ cực của một năm lại tan đi. Tôi khổ bao nhiêu cũng được, chịu cực, chịu la mắng bao nhiêu cũng được nhưng mẹ vui là mình vui. Thấy mẹ cười ngày Tết thì còn gì vui hơn nữa. Tôi chỉ mong cứ thấy mãi nụ cười của mẹ", chàng công nhân độc thân tâm sự.

Không chỉ mỗi dịp thưởng Tết, hàng tháng anh Thành đều trích ra 1 - 2 triệu đồng để gửi về cho mẹ. Số tiền lương còn lại dao động từ 5 - 6 triệu, Thành dùng chi tiêu và tiết kiệm một khoản để sau này lo cho vợ, con.

"Căn nhà của mẹ đã dột, nát, tôi dự định năm nay sẽ lấy thưởng Tết về tặng mẹ để mẹ sửa sang lại nhà cửa. Nếu còn dư thì để mẹ sắm sửa ít đồ cúng ông bà và mua 1, 2 bộ đồ đón Tết. Vậy là mẹ vui rồi, mùa xuân với tôi như vậy là trọn vẹn", anh Thành mong ước.

Chi thưởng rực rỡ 200 triệu đồng không phải vì chơi trội - 3

Thưởng Tết giúp công nhân gắn bó hơn với nhà máy, xí nghiệp.

Cùng xóm trọ với anh Thành ở quận Bình Tân, công nhân Phạm Chí Đức (28 tuổi, quê Cà Mau, ngụ TPHCM) cũng đang mong thưởng Tết để được về mua quà tặng mẹ. Năm nay, tình hình dịch Covid-19 khiến công ty bị ngưng trệ khiến anh Đức lo lắng thưởng Tết sẽ thấp hơn mọi năm.

"Có thưởng thì vui, thưởng cao thì vui nhiều, thưởng ít thì vui ít. Dù thưởng hay không tôi cũng về quê vì mỗi năm chỉ có duy nhất dịp này để sum vầy cùng cha mẹ già. Tết không về chắc nhớ nhà, nhớ cha mẹ lắm", anh Đức chia sẻ.

Đảm bảo thưởng Tết cho công nhân, người lao động

Không riêng người lao động, các doanh nghiệp năm nay cũng "thấp thỏm" suốt nhiều tháng, chờ các đơn hàng cuối năm thanh toán cho kịp thưởng Tết. Năm Covid-19 căng thẳng, chi phí thực hiện "3 tại chỗ", chi phí xét nghiệm Covid-19, chi phí hỗ trợ người lao động 4 tháng giãn cách… đã khiến nhiều doanh nghiệp tiêu cạn nguồn quỹ dự phòng, nên việc thưởng Tết sẽ gian nan hơn mọi năm nhưng chuyện "trăm đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" vẫn luôn là chuyện được dành tâm sức lớn từ người sử dụng lao động.

Chi thưởng rực rỡ 200 triệu đồng không phải vì chơi trội - 4

Công ty thuốc Thú y Ánh Việt (KCN Hiệp Phước) thưởng Tết ở mức cao dù doanh thu giảm.

Mức thưởng Tết "rực rỡ" cho năm nay của các doanh nghiệp nơi "tâm chấn" Covid-19 - TPHCM giúp thổi lên bầu không khí vui vẻ, tích cực chờ đón Tết đến xuân về. Cụ thể, dù doanh thu sụt giảm gần một nửa so với năm 2020 nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chi đậm để thưởng Tết cho công nhân, người lao động từ 10-60 triệu đồng, nhân viên bán hàng (sales) 150 - 200 triệu đồng.

"Mọi hoạt động của công ty đã khôi phục so với trước dịch và lợi nhuận tăng mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu của chúng tôi so với năm 2020 có giảm nhưng không đáng kể, mọi khó khăn đã được khắc phục. Do vậy, thưởng Tết năm nay của công ty vẫn được duy trì như mọi năm, người lao động không bị ảnh hưởng", bà Đỗ Thị Thúy - Tổng Giám đốc Công ty thuốc Thú y Ánh Việt (KCN Hiệp Phước) chia sẻ.

Theo bà Thúy, doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động theo từng vị trí. Ngoài thưởng Tết theo quy định, công ty còn thưởng thêm các tổ chức xuất sắc, cá nhân xuất sắc, cá nhân có cống hiến... Lãnh đạo doanh nghiệp này quan niệm, dịch thì toàn thế giới bị ảnh hưởng, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng nhưng mình phải tìm mọi cách để tăng lương, thưởng để người lao động vui xuân đón Tết, bỏ lại phía sau một năm khó khăn, căng thẳng.

Tiền thưởng Tết phải đủ để người lao động lo chi phí cần thiết dịp Tết cho gia đình và có động lực tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp. Theo đó, Tết Nhâm dần, những công nhân có thâm niên trên 5 năm ở công ty được thưởng 50 - 60 triệu đồng, nhân viên sales có mức thưởng khoảng 200 triệu đồng.

Chi thưởng rực rỡ 200 triệu đồng không phải vì chơi trội - 5

Nhiều doanh nghiệp coi việc thưởng Tết để tri ân và giữ chân người lao động.

Tại công ty TNHH A.L (chuyên sản xuất, kinh doanh nội thất, bất động sản) ở quận Tân Bình, dù công ty gặp không ít khó khăn về tài chính, chịu tổn thất nặng về doanh thu nhưng thưởng Tết cho công nhân, người lao động vẫn duy trì ở mức 2 - 3 tháng lương, kèm quà.

"Tôi từng làm công nhân nên tôi rất quan tâm đến vấn đề thưởng Tết cho người lao động của mình. Tôi cố gắng mỗi năm đều tăng thưởng hơn năm trước khoảng 10%. Năm nay, dù mức thưởng không được như kỳ vọng nhưng những công nhân, người lao động có thành tích tốt vẫn có mức thưởng từ 30 - 100 triệu đồng", ông Nguyễn Anh Kiên, giám đốc công ty A.L chia sẻ.

Tìm mọi cách để thưởng Tết cho người lao động kịp thời vì đó đều là những người đã đồng hành cùng công ty trong những thời điểm khó khăn nhất, doanh nghiệp sẽ không bao giờ để những "tài sản quý nhất" của mình mất quyền lợi - đó là tâm niệm chung của các "ông bà chủ". Hầu hết đều mong muốn thưởng Tết của công nhân, người lao động mỗi năm đều tăng lên, để người lao động hài lòng, gắn bó với doanh nghiệp.

Nhìn vào cách thưởng Tết các doanh nghiệp xây dựng cho một năm đặc biệt như 2021 vừa qua, có thể thấy rõ, không phải là doanh nghiệp dư dả về tiền bạc để "chơi trội" mà "vung tay" thưởng cho nhân viên của họ. Mục đích thưởng là giữ chân người lao động, các mức thưởng cao "đánh" vào thâm niên, vào bộ phận nhân lực chất lượng cao mà doanh nghiệp coi là "tài sản quý giá" để giữ gìn cho sự phát triển hậu Covid-19. Các "ông bà chủ", vì vậy, "bóp bụng" chi thưởng chính là sự đầu tư cho tương lai.

Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Huỳnh Văn Tuấn cho hay, nhiều doanh nghiệp báo cáo thưởng Tết cho người lao động một tháng lương, nhiều doanh nghiệp có mức bằng 50-70% so với mọi năm. Công đoàn cũng hỗ trợ nỗ lực thương lượng với các doanh nghiệp để có phần thưởng Tết tương xứng với công sức người lao động đóng góp cho công ty.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn là 1,07 tỷ đồng; mức thưởng Tết Dương lịch bình quân là 3,4 triệu đồng/người, bằng năm 2019. Tiền thưởng Tết Tân Sửu bình quân 8,8 triệu đồng/người, giảm 12% so với năm 2019.

Tết Nhâm Dần 2022, mức thưởng không đạt được như các năm trước do các doanh nghiệp bị tác động mạnh bởi dịch bệnh, phải giãn cách nhiều tháng nhưng người sử dụng lao động vẫn duy trì các hoạt động lương, thưởng cơ bản để giữ chân người lao động.