Gia Lai:

Nữ nhân viên "giữ rừng" ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Sau gần 7 giờ đi tuần tra rừng, chị Nguyễn Thị Thu ngậm ngùi khi ăn chén cơm nguội với nước mắm. Chị cũng như đồng nghiệp đều có nỗi niềm khi nghĩ về đồng lương và những cái Tết trọn vẹn.

Họ là những nhân viên quản lý, bảo vệ thuộc các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp tại Gia Lai (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Cuộc sống của những nhân viên bảo vệ rừng là chuỗi ngày "ăn rừng, ngủ lán". Hành trình tuần tra rừng luôn tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập, đôi khi phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Tuy nhiên, đồng lương và chế độ dường như chưa tương xứng với công sức mà những nhân viên bảo vệ rừng đã bỏ ra.

Thanh xuân dành để giữ màu xanh của đại ngàn

Hơn 14h30, chúng tôi ghé thăm Trạm bảo vệ rừng số 2 (Ban quản lý Rừng phòng hộ Ia Ly, huyện Chư Păh, Gia Lai). Trạm bảo vệ rừng nằm cheo leo trên đỉnh đèo Ia Kreng (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Nơi không có sóng điện thoại, nguồn nước sinh hoạt của các cán bộ nơi đây chủ yếu là nước suối.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 1

Sau ngày tuần rừng gian nan, nữ nhân viên bảo vệ rừng ngậm ngùi ăn chén cơm với nước mắm cho đỡ cơn đói...

Vừa bước vào cổng, tôi nhìn xuống góc bếp đã thấy bóng dáng người phụ nữ khoác trên mình bộ quần áo bạc màu, đang bưng bát cơm nguội ăn. Lại gần, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi bữa cơm chỉ có cơm trắng chan nước mắm. Người phụ nữ cũng ngại ngần giấu chén cơm sau lưng…

Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, là nhân viên bảo vệ rừng thuộc Bản quản lý rừng phòng hộ La Ly) trải lòng: "Trạm có 4 người mà một người xin nghỉ vì có việc gia đình. Ba người còn lại phải đi tuần tra rừng từ sáng sớm. Giờ mới về, anh em chia nhau ít cơm nguội buổi sáng để ăn cho đỡ đói".

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 2

"Làm hơn 10 năm nhưng lương tôi cũng có 4,7 triệu đồng. Công việc nghề giữ rừng này luôn phải thay nhau trực 24/24, không kể giờ giấc. Hành trình đi rừng chỉ cần sẩy chân cũng nguy hiểm đến tính mạng", chị Thu trăn trở.

Nuốt vội chén cơm khô cứng, chị Thu tâm sự: Cách đây hơn 10 năm, chị tốt nghiệp đại học ra và công tác trong ngành lâm nghiệp. Trước đây, chị làm tại Khu bảo tồn Kon Chư Răng thuộc huyện Kbang (Gia Lai). Suốt 10 năm công tác ở Kbang, mỗi tuần, chị phải chạy xe máy hơn 250 km để về huyện Chư Păh thăm chồng con. Thấy chị công tác vất vả nên tổ chức đã giúp đỡ chuyển chị về công tác tại Ban quản lý rừng phòng hộ La Ly vào tháng 7/2021 vừa qua.

Tuy là phụ nữ nhưng chị Thu luôn nỗ lực "trèo đèo, lội suối" để theo chân những đấng mày râu tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Mới về gần 5 tháng, chị Thu đã vượt qua tất cả các ngọn núi, xuyên qua những cánh rừng già để đi tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 3

Tuy là phụ nữ nhưng chị Thu đã nỗ lực theo chân những người đàn ông để tham gia vào công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Cũng vì dầm mưa, dãi nắng nên thân hình của chị trở nên ốm yếu, nước da đã ngả màu nâu. Việc làm đẹp đối với một người phụ nữ làm nghề lâm nghiệp như chị là một điều xa xỉ.

Chị Thu cho biết: "Chồng cũng không tìm được việc nên chỉ ở nhà đi làm thuê. Tôi tốt nghiệp đại học ra cũng mong muốn có một công việc nhàn hạ nhưng nghề chọn người. May mới đây, tôi đã chuyển về gần con, gần chồng là vui lắm rồi".

Làm hơn 10 năm, lương của chị cũng chỉ ở mức 4,7 triệu đồng/tháng. "Nghề giữ rừng này luôn phải thay nhau trực 24/24, không kể giờ giấc. Hành trình đi rừng chỉ cần sẩy chân cũng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, đồng lương dường như không tương xứng với công sức chúng tôi đã bỏ ra", chị Thu trăn trở.

30 năm nay… chưa có cái Tết trọn vẹn

Gắn bó với cánh rừng xã Ia Kreng hơn 30 mùa xuân nhưng ông Nguyễn Ngọc Hiền (51 tuổi, trú tại Tổ 8, phường Yên Thế, TP. Pleiku, Gia Lai) chưa được ăn một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Cuộc sống ông Hiền là những ngày ăn lán, uống nước suối và chinh phục những ngọn núi cao để tuần tra rừng.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 4

Hơn 30 năm nay, ông Hiền chưa có năm nào được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình vì công việc, nhiệm vụ.

Mỗi tuần, ông Hiền chỉ tranh thủ về nhà một buổi rồi lại vội vã quay lại Trạm để cùng các anh em đi tuần tra. "Rừng ở đây đa phần đều là khu vực núi cao. Chúng tôi thường phải bò thì mới lên được đỉnh núi. Lúc xuống, anh em lại dìu nhau trượt dài. Trong hành trình đi rừng, việc ngã xuống suối, gãy chân tay cũng là chuyện bình thường. Tôi tuổi đã lớn nên muốn nghỉ nhưng cũng không biết tìm việc gì nên phải cố bám để đến tuổi nghỉ hưu.", ông Hiền trăn trở.

Mỗi khi Tết đến, ông Hiền lại cùng với những anh em trong trạm chung nỗi niềm khi không được về đón Tết một cách trọn vẹn. Trong 7 ngày Tết, các nhân viên bảo vệ đều phải "căng mình" thay nhau đi khắp các cánh rừng để tuần tra, kịp thời phát hiện các đối tượng lợi dụng để phá rừng, lấn chiếm nương rẫy.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 5

Cuộc sống của những người nhân viên bảo vệ rừng là ăn rừng, ngủ lán. Tuy nhiên, chế độ lại chưa có nhiều sự hỗ trợ cho ngành nghề đặc thù như lâm nghiệp.

Qua 30 năm công tác, mức lương của ông Hiền chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Các khoản ăn uống, xăng xe và chi phí khác đều nằm ở số tiền này. Mỗi tháng, ông Hiền phải dành dụm gửi về cho vợ 3 triệu để nuôi 2 người con ăn học.

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, ông cũng như các đồng nghiệp khác được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/người. Công việc lo cho Tết và thăm họ hàng nội ngoại đều một tay vợ ông lo hết.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 6

Thời gian cận Tết là lúc mà lực lượng phải "căng mình" túc trực nhằm răn đe các đối tượng đang có ý định để phá rừng.

"Nghề thì cực khổ nguy hiểm. Mỗi ngày, chúng tôi phải đi tuần tra rừng cả ngày. Lúc có vụ việc, anh em căng mình mật phục 24/7, "ăn rừng, ngủ lán" nhiều tuần liền. Thế mà chúng tôi chỉ nhận đúng mức lương cơ bản, không có sự hỗ trợ, tăng ca nào xứng đáng cho những người làm công việc đặc biệt khó, khổ trong ngành lâm nghiệp như chúng tôi", ông Hiền bộc bạch.

"Chỉ biết động viên anh em!"

Trong năm 2021, tại BQL RPH Ia Ly, có 3 người xin nghỉ việc vì những lý do khác nhau. Ông Phạm Thành Phước (Trưởng BQL RPH Ia Ly) đưa chúng tôi xem tờ đơn xin nghỉ việc còn chưa ráo mực của một nhân viên bảo vệ rừng. Trong đơn, lý do xin nghỉ việc là do sức khỏe bản thân không đủ để đi rừng làm nhiệm vụ tuần tra.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 7

Mọi người đều mong muốn có những sự động viên, hỗ trợ trong việc tuần tra, kiểm soát để bảo vệ màu xanh của đại ngàn.

Ông Phước cho biết: "Quân số của đơn vị có khoảng 20 người đang thực hiện nhiệm vụ quản lý, tuần tra hơn 16.000 ha rừng. Nếu xét về quy định thì đơn vị còn thiếu khoảng 4-5 biên chế. Dù công việc khó khăn, thiếu chế độ đãi ngộ nhưng tôi vẫn động viên anh em cố gắng hoàn thành nhiệm vụ".

Cũng theo ông Phước, từ sáng đến tối, anh em đều chia nhau đi tuần tra, kiểm soát. Khi có thông tin, anh em phải mật phục nhiều đêm trong rừng sâu để phát hiện lâm tặc. "Những ngày Tết, anh em đều phải "căng mình" để chống lâm tặc hơn những ngày thường. Theo đồng lương hiện tại, tôi thấy không tương xứng với ngành nghề đặc thù như lâm nghiệp. Tôi mong muốn ngành chức năng cần có những hỗ trợ đặc thù cho những nhân viên ngành lâm nghiệp, đặc biệt là dịp Tết", ông Phước cho biết thêm.

Nữ nhân viên giữ rừng ăn cơm chan nước mắm, ngậm ngùi trong ngày giáp Tết - 8

Cũng vì vậy mà nhiều cán bộ, nhân viên buộc phải rời bỏ đại ngàn để tìm công việc khác.

Tương tự, ông Nguyễn Trọng Khải - Phó Trưởng BQL RPH Đăk Đoa - thông tin, cơ quan hiện có 16 biên chế và 3 hợp đồng. Cơ quan đang phân công lịch trực Tết theo quy định. Lợi dụng dịp cận Tết, các đối tượng thường manh động vào xâm hại hoặc lấn chiếm rừng. Chính vì vậy, thời gian này chúng tôi càng phải huy động đầy đủ các nhân viên để tăng cường tuần tra, kiểm soát dịp trước và sau Tết.

"Ở đây các anh em đều vất vả, nguy hiểm và thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt ngày lẫn đêm. Tuy vậy, chế độ đãi ngộ, phụ cấp ngành đều không có đã ảnh hưởng phần nào đến lực lượng bảo vệ rừng. Tôi mong muốn có sự hỗ trợ, quan tâm đặc biệt thì anh em sẽ có tinh thần trách nhiệm cao, yên tâm "bám rừng" trong khi cái Tết đang cận kề", ông Khải trình bày tâm tư.