Việc làm cho NKT:

“Chỉ có 1-2 % người khuyết tật được học nghề”

“Khoảng 60 % trong số người khuyết tật (NKT) tại VN đang thuộc độ tuổi lao động. Trong đó chỉ có 3 % NKT được học nghề ngắn hạn, 30 % NKT có việc làm tạm ổn định. Nhu cầu học nghề của NKT lớn nhưng cơ hội việc làm trong thực tế chưa cao”.

Nhu cầu học nghề và tìm việc của NKT luôn cao.
Nhu cầu học nghề và tìm việc của NKT luôn cao.

Ông Đặng Văn Thanh. Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật VN, trao đổi với PV Dân trí về nhu cầu học nghề và tìm việc của NKT nhân Ngày Người khuyết tật thế giới (3/12).

Thưa ông, những rào cản chính khiến NKT khó tiếp cận với học nghề, việc làm tại VN là gì?

VN đang có khoảng 7 triệu NKT. Một trong những rào cản lớn nhất là việc thiếu các nguồn lực triển khai. Theo Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020, khoảng 250.000 NKT sẽ được học nghề miễn phí từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn năm 2012- 2020. Nhưng trong 3 năm qua, số người học nghề và kinh phí hành cho học nghề còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, vấn đề tiếp cận của NKT cũng ảnh hưởng không nhỏ tới nhu cầu học nghề, tìm việc. Một số trung tâm dạy nghề còn thiếu các cơ sở vật chất cho việc tiếp cận của NKT, như: Đường lên cho xe lăn, nhà vệ sinh... Các trung tâm dạy nghề và doanh nghiệp còn chưa hiểu rõ về quyền lợi khi tiếp nhận NKT vào làm việc, học nghề.

Hiện 80 % NKT sống ở nông thôn. Đa số trong đó còn hạn chế tiếp cận với thông tin, văn hóa, chính sách mới. Bản thân NKT còn chưa hiểu nhiều về quyền và nghĩa vụ, các quy định pháp luật liên quan.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc dạy nghề cho NKT khó bởi các dạng tật khác nhau và các nghề cũng hạn chế, thưa ông?

Qua việc giám sát thực hiện Luật NKT và Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 tại các tỉnh thành, hầu hết các địa phương chưa thực hiện tốt công tác dạy nghề cho NKT. Trong dạy nghề tại các làng nghề, NKT chủ yếu học theo kiểu “cầm tay chỉ việc” sau đó vào làm việc tại đó luôn. Đây có lẽ là cách dạy nghề và bố trí hiệu quả nhất hiện nay.

Trong các nghề học theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, NKT dễ tiếp cận nhất với nghề thủ công mỹ nghệ vì thời gian học nghề ngắn, dễ tìm việc.

Ở các trung tâm dạy nghề, NKT tham gia ít có hiệu quả hơn. Do thời gian học nghề quy định rõ từ 3 - 9 tháng/khóa học. NKT cần nhiều thời gian dài hơn để tiếp cận, vì sức khỏe và nhận thức hạn chế. Chưa kể việc đi lại khó khăn do ảnh hưởng của dạng tật.

Ông Đặng Văn Thanh. Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật VN
Ông Đặng Văn Thanh. Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật VN

Ông đánh giá như thế nào về việc bãi bỏ quy định bắt buộc tuyển từ 2-3% lao động là NKT vào làm việc trong doanh nghiệp và thay bằng cách khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng NKT?

Tôi đã tham khảo ở một số nước phát triển trên thế giới trong công tác chăm sóc NKT. Lĩnh vực này được nhiều nước quan tâm và hỗ trợ quyền. Qua đó, tôi nhận thấy việc quy định “cứng” tỉ lệ NKT vào làm việc là hợp lý.

Ở Mỹ và CHLB Đức có quy định nhận từ 3-5 % NKT nhận vào làm việc. Ngay ở Nhật Bản, đồng nghiệp của tôi mới cho biết tình hình tuyển dụng NKT đã cải thiện. Họ đã nâng quy định bắt buộc từ 1,8 % lên 2% lao động là NKT làm việc.

Tuy nhiên, VN lại bỏ quy định “cứng” đó mà thay vào đó là khuyến khích nhận NKT vào làm việc thông qua các chính sách khác. Thời gian tới nếu có thể sửa đổi, bổ sung Luật NKT, tôi kỳ vọng việc nên dùng lại quy định “cứng” trong việc tuyển NKT. Như vậy, NKT sẽ có thêm căn cứ pháp lý trong tìm việc làm.

Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh (thực hiện)

Tin liên quan: Hội NKT Hà Nội: Hơn 1.200 hội viên vay vốn tạo việc làm

Theo ông Trịnh Xuân Dũng - Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội, Ngân hàng chính sách xã hội TP Hà Nội đã giải ngân hơn 11,8 tỉ đồng cho hơn 1.240 hội viên vay vốn giai đoạn năm 2014 - 2015. Riêng năm 2015, số vốn quay vòng là 6,9 tỉ đồng với hơn 600 hội viên thuộc 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Các nghề chủ yếu làm chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh nhỏ. Hai cơ sở kinh doanh của NKT vay 300 triệu đồng/cơ sở với lãi suất ưu đãi 0,3%/tháng.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Qua theo dõi, tỉ lệ người có nhu cầu vay vốn ngày càng tăng. Thực tế số người vay giai đoạn 2014-2015 đã gấp 2 lần số người vay giai đoạn 2012-2013, tổng nguồn vốn giải ngân từ năm 2012 tới nay đã 23,7 tỉ đồng. Các dự án vay đều có hiệu quả và chưa có trường hợp nào không hoàn trả vốn vay” - Ông Trịnh Xuân Dũng cho biết.

Theo Hội NKT Hà Nội, NKT vay vốn nhằm mục đích kinh doanh nhỏ, chăn nuôi trồng trọt. Mức cho vay cũ là 20 triệu đồng/hội viên. Từ tháng 1/2016, hội biên được vay thấp nhất 50 triệu đồng, cơ sở kinh doanh - sản xuất của NKT được vay cao nhất là 1 tỉ đồng.

“Việc cho vay được giám sát chặt chẽ, thông qua việc quận, huyện hội đứng ra bảo lãnh, ngân hàng chính sách sẽ khảo sát và đánh giá thực chất khoản vay” - ông Trinh Xuân Dũng nói.

V.K