1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Chế độ BHYT đối với cán bộ mắc bệnh hiểm nghèo

Tôi là Cảnh sát giao thông bị mắc bệnh hiểm nghèo, đang điều trị tại Bệnh viện 19-8. Vậy, tôi sẽ được hưởng chế độ, chính sách như thế nào và có thể tham khảo quy định trong văn bản nào?

Bộ Công an trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 70/2015/NĐ-CP ngày 1/9/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu thì cán bộ, chiến sĩ khi đi khám bệnh, chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế.

Nếu ông Nguyễn Văn Tú đã được Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân cấp thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí khám, chữa bệnh do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định. Nếu ông Nguyễn Văn Tú chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh của ông do ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 04/2008/TT-BCA(H11) ngày 17/3/2008 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện chế độ thanh toán tiền khám, chữa bệnh trong lực lượng Công an nhân dân.

Trong thời gian nghỉ việc để điều trị bệnh (bao gồm cả nội trú và ngoại trú), ông Nguyễn Văn Tú sẽ được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

Ngoài ra, nếu ông Nguyễn Văn Tú đủ điều kiện thì sẽ được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau quy định tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH nêu trên (người lao động đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Thời gian và mức hưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội).

Theo Chinhphu.vn