1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chàng cử nhân bỏ phố về quê, bán nhẫn cưới mở quán trà sữa và cái kết

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Đang làm công việc quản lý kinh doanh với mức lương mơ ước, chàng trai 9X Ngô Quốc Huy chấp nhận rời TPHCM về quê, mở chuỗi trà sữa. Ông chủ trẻ nhanh chóng kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Bỏ lương 20 triệu đồng, bán cả nhẫn cưới

Chàng cử nhân bỏ phố về quê, bán nhẫn cưới mở quán trà sữa và cái kết - 1

Chàng trai "bỏ phố về quê", tự tay mở 5 quán trà sữa, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, Ngô Quốc Huy (29 tuổi, ngụ tại An Giang) đã ấp ủ ước mơ khởi nghiệp quán trà sữa. Hình thành ý tưởng và ngỏ lời xin ba mẹ vốn, Huy nhận được lời phản đối thẳng thừng vì ba mẹ muốn anh theo con đường học vấn hơn. 

"Gia đình có truyền thống làm nghề nông nên khi nghe tôi nói muốn kinh doanh, ba mẹ vẫn chưa hiểu. Tôi cũng chưa có kinh nghiệm hay vốn liếng gì để bắt đầu", chàng trai kể.

Bẵng đi một thời gian, Quốc Huy tốt nghiệp đại học và trở thành quản lý bán hàng của một công ty nổi tiếng tại TPHCM. Được trả mức lương gần 20 triệu đồng/tháng, Huy vẫn cảm thấy không mấy hạnh phúc. 

Những lúc đến quán cà phê cùng bạn bè, Huy luôn để ý từng chút một về cách phục vụ, thiết kế quán của các thương hiệu lớn. Ngày qua ngày, đam mê khởi nghiệp ngày càng lớn dần trong anh.

Làm việc ở công ty khoảng 4 năm, Huy đắn đo việc "bỏ phố về quê" để thực hiện ước mơ. Với số tiền tích cóp khoảng 100 triệu đồng, chàng trai e ngại có thể sẽ mất trắng do làm ăn thua lỗ. Đánh liều, Quốc Huy lấy lý do về quê phụng dưỡng ba mẹ để một mình lên kế hoạch.

Nhận thấy mô hình quán trà sữa ngày càng phát triển, dần du nhập vào địa phương, Huy bắt tay vào tìm hiểu sâu vào thị trường. Thoạt đầu, chàng trai gặp vô vàn khó khăn do mọi thứ bắt đầu từ con số 0.

Huy trích 60% số tiền dành dụm được để đầu tư mua nguyên liệu, thuê mặt bằng, dụng cụ nấu trà sữa. Trong suốt 2 tháng chuẩn bị, mỗi ngày Quốc Huy đi hàng chục km đến khu chợ ở các tỉnh, thành lớn lân cận, nhằm tìm nguồn nguyên liệu thích hợp. 

Chàng trai phải cân đo đong đếm, tìm được những lá trà thơm ngon nhưng giá cả phải chăng với một thương hiệu mới ra đời. Sợ hàng có sẵn không rõ xuất xứ, Huy tự tay làm topping.

"Định hình được ý tưởng, tôi mới bắt đầu tự học nấu trà sữa. Ban đầu không biết phải bỏ hết bao nhiêu nồi trà mới thành công. Có những món tôi chưa từng được uống, nhưng vẫn cố nấu thử", Huy nói.

Ngay sau đó, chàng trai tìm kiếm mặt bằng, thuê kiot 9m2 rồi tự tay thiết kế quán. 

Chàng cử nhân bỏ phố về quê, bán nhẫn cưới mở quán trà sữa và cái kết - 2

Từ khâu sơn tường, lắp đèn, ráp tủ,… ông chủ 9X đều tự tay làm (Ảnh: Nguyễn Vy). 

Quán trà sữa đầu tiên chính thức khai trương năm 2018, gia đình khi đó cũng nhận ra tâm huyết của Huy dành cho công việc này. Ba mẹ của Huy vốn là nông dân, cũng dừng việc ruộng vườn để phụ con trai khởi nghiệp. Chị và vợ sắp cưới sau khi xong việc ở cơ quan, cũng đến tiếp một tay.

Ngày đầu khai trương, Quốc Huy gọi bạn bè đến ủng hộ. Nhờ hiệu ứng đông người, kèm theo sự nổi bật của một quán trà sữa chỉn chu, lần đầu có ở vùng nông thôn, nhiều bạn trẻ cũng tò mò ghé qua. 

Từ trưa đến chiều tối, dù kiot chỉ vừa đủ để 6-7 bàn, quán vẫn kín người ngồi. Thậm chí, Huy phải mượn bàn, ghế của hàng quán bên cạnh để khách ngồi thêm. Dù bận rộn, ông chủ 9X vẫn tranh thủ "góp nhặt" ý kiến của khách hàng, rồi chọn lọc và hoàn thiện. 

Cứ tưởng quán chỉ đông trong ngày khai trương, không ngờ tiệm trà sữa của anh Huy càng có nhiều khách hơn trong những ngày sau đó. Doanh thu có khi lên đến hơn 3 triệu đồng/ngày. 

Sau khoảng nửa năm khởi nghiệp, Quốc Huy quyết định mở thêm một tiệm trà nữa ở gần đó. Dự tính chỉ tốn khoảng 400 triệu đồng để xây quán, Huy "bật ngửa" vì chi phí sau đó đội lên 1,1 tỷ đồng. Đến nỗi, Huy phải bán luôn chiếc nhẫn cưới để gom đủ tiền mở quán.

Doanh số bán hàng ngày càng tăng cao, Huy tiếp tục mở thêm 2 quán trà sữa nữa. Qua 4 năm khởi nghiệp, thanh niên 9X đã sở hữu 4 quán và chuẩn bị khai trương thêm quán thứ 5 ở huyện lân cận. Mỗi tháng, chàng trai có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng nhờ vào việc bán trà sữa.

Áp lực đến mộng du, nhiều đêm dậy… pha trà sữa

Nhớ về thời gian đầu khởi nghiệp, Huy rơi nước mắt vì chưa từng kể với ai về những khó khăn đã trải qua. Những đêm mất ngủ là chuyện bình thường. Đáng sợ hơn, sau vài đêm ngủ được, anh lại giật mình tỉnh giấc vì quá áp lực.

"Không biết sáng mai thức dậy, quán có bán được như hôm nay không. Tôi sợ mình sẽ thất bại, phụ lòng mong mỏi của ba mẹ", Huy tâm sự.

Chàng cử nhân bỏ phố về quê, bán nhẫn cưới mở quán trà sữa và cái kết - 3

Dù nắng hay mưa, quán của Huy luôn đông nghịt khách (Ảnh: Nguyễn Vy).

Chàng trai 9X kể, trong một lần quên mất đơn hàng của vị khách nhỏ tuổi, Huy hối hận mãi không thôi. Thậm chí tối về ngủ, cậu giật mình tỉnh giấc, bị mộng du, lật đật đứng pha trà sữa. 

Có những hôm làm quần quật đến khuya xong Huy lại phải chạy hơn 10km về nhà nấu trà sữa để mai bán tiếp. Vừa mệt vừa đói lả, Huy cắn răng, nước mắt hòa lẫn với nước mưa. 

"Quán của tôi chủ yếu là các bạn trẻ, học sinh, sinh viên thôi. Lúc mới mở bán, dù cơ sở vật chất chưa đủ đầy, các bạn vẫn ủng hộ. Thậm chí có phải chờ hơn 40 phút, khách vẫn vui vẻ chấp nhận", anh Huy xúc động.

Thời gian khởi nghiệp không quá dài, Quốc Huy có cho mình vô vàn những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Ông chủ 9X chia sẻ, dù nắng hay mưa thì khách hàng vẫn đến quán như một thói quen.

"Một kỷ niệm đáng nhớ chính là hôm mưa bão, gió thổi bay mái che của quán, nước chảy xối xả ướt áo khách. Vậy mà các em vẫn phụ tôi dựng lại ô, rồi ngồi uống tiếp, như chưa có gì xảy ra", Huy cười, nói.

Nhờ những việc như vậy, Huy có thêm động lực, quyết tâm để tiếp tục mở rộng, hoàn thiện những quán trà hiện đại, mới mẻ hơn. Ước mơ của nam thanh niên là phát triển thương hiệu trà sữa đến nhiều huyện khác. Anh không có ý định bật lên thành phố lớn bởi muốn đem những gì mới mẻ nhất đến với các vùng nông thôn như quê nhà.