Cây "thoát nghèo" bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Chanh leo từng được xem là cây chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân miền núi Nghệ An. Hiện nay, diện tích trồng loại cây này không còn đáng kể khiến nhiều người xót xa, muốn vực dậy.

Cây chủ lực để thoát nghèo

Cách đây khoảng 10 năm, cây chanh leo được quy hoạch lên đến hàng nghìn ha ở các huyện miền núi Nghệ An như: Quế Phong, Tương Dương, Nghĩa Đàn... giúp nhiều gia đình thoát nghèo và làm giàu. 

Cây thoát nghèo bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy - 1

Cây chanh leo đã từng được xem là cây "thoát nghèo" ở các huyện miền núi Nghệ An (Ảnh: T.H.).

Theo ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, vào năm 2016-2017, diện tích chanh leo của xã đạt hơn 210ha, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.

Nhiều gia đình đã thoát nghèo, có của ăn của để nhờ việc mạnh dạn phát triển loại cây này. Thế nhưng đó là 5 năm trước, nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 5ha cây chanh leo. 

"Thời điểm ấy, giá chanh leo cao, lại không đủ bán, chính quyền luôn khuyến khích người dân đầu tư để phát triển. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều hộ gia đình đã đầu tư vào loại cây này với hi vọng thay đổi cuộc sống", ông Cường cho biết thêm.

Theo tính toán của người dân, chi phí đầu tư cho 1ha chanh leo hết khoảng 120 triệu đồng; chu kỳ sinh trưởng 4-5 năm. Trừ năm đầu, còn các năm sau năng suất có thể đạt 40-50 tấn/ha, đem lại thu nhập 200-400 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, chanh leo đã trở thành một trong những sản phẩm tiêu biểu của Quế Phong; năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng lúa rẫy, sắn, keo…

Cây thoát nghèo bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy - 2

Nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng chanh leo (Ảnh: N.D.).

Năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, thương lái ngưng thu mua chanh leo do không có đầu ra nên người người đua nhau phá bỏ hoặc để mặc cây tàn lụi. Huyện Quế Phong được xem là thủ phủ cây chanh leo nhưng giờ chỉ còn là những đồi hoang, cỏ dại.

Chị Vi Thị Lan, trú tại bản Lam Hợp, xã Tri Lễ buồn bã: "Gia đình tôi trồng hơn 400 gốc chanh leo. Mấy năm trước giá cao, mỗi năm trừ chi phí còn thu về cả trăm triệu đồng. Nhưng nay cây bị nhiễm bệnh, kém phát triển nên quả nhỏ, năng suất và chất lượng giảm, thương lái không mua nữa nên phải phá bỏ".

Anh Ngân Văn Vư, ở bản Lam Hợp, xã Tri Lễ ngày trước đã mạnh dạn vay vốn đầu tư gần 1.000 gốc, nhưng hiện đã phá bỏ hơn một nửa vì cây năng suất kém và sâu bệnh nhiều. Gần 400 gốc chanh leo còn lại quả ít, nhỏ và giá rất thấp nên đang chuyển sang trồng một số loại cây khác.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Hiền - Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay, diện tích cây chanh leo trên địa bàn huyện được trồng nhiều nhất là vào 2017-2018 với 300ha. Đến năm 2020, trên thân cây chanh leo xảy ra bệnh nấm diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp… Vì thế mà bà con đã phá bỏ nhiều diện tích. Hiện nay, cả huyện chỉ còn khoảng 20ha trồng rải rác ở các thôn bản của đồng bào người H'Mông.

Cây thoát nghèo bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy - 3

Nhiều diện tích bị chặt phá vì chanh leo không có đầu ra, sâu bệnh... (Ảnh: T.H.).

"Cây chanh leo trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm sẽ bị nhiễm nấm, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo cần phải trồng luân canh. Mặt khác, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên giá chanh leo giảm sâu. Trong khi đó chính sách hỗ trợ phát triển cây chanh leo của tỉnh không còn. Phía doanh nghiệp là Công ty CP chanh leo Nafoods không trồng chanh leo thương phẩm nữa, mà chỉ sản xuất cây giống nên bà con từ bỏ dần", ông Hiền lý giải.

Người dân muốn vực lại cây chanh leo

Được biết, cây chanh leo bén duyên với vùng núi cao Nghệ An từ những năm 2010. Nhằm giúp bà con nông dân ở vùng trồng chanh leo nguyên liệu tại các huyện Quế Phong và Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã ban hành nghị quyết về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ bà con về cây giống, phân bón, nước tưới…

Cây thoát nghèo bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy - 4

Cây chanh leo mỗi năm có thể cho thu hoạch 4 lần và rất phù hợp với khí hậu, đất đai ở các huyện miền núi Nghệ An (Ảnh: N.D.).

Năm 2016, Quế Phong quy hoạch diện tích trồng chanh leo ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng. Thời điểm cao nhất, diện tích chanh leo toàn huyện đạt gần 300ha.

Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp, thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đang khảo sát dự án trồng cây chanh leo theo công nghệ mới, dự kiến sẽ triển khai trên diện tích 10ha, với kinh phí ước 3 tỷ đồng.

Nhiều người dân trên địa bàn huyện Quế Phong mong muốn có doanh nghiệp đồng hành cùng bà con để sản xuất theo chuỗi liên kết. 

Cây thoát nghèo bị bỏ hoang, người dân miền núi quyết tâm vực dậy - 5

Người dân muốn vực dậy cây chanh leo để phát triển kinh tế (Ảnh: T.H.).

Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, vào năm 2016, toàn huyện có hơn 100ha trồng chanh leo. Tuy nhiên, đến vào cuối năm 2018, số diện tích bắt đầu giảm sâu vì nhiều nguyên nhân như: Sản phẩm đầu ra không có, sâu bệnh…

"Chính quyền và người dân cũng rất mong muốn vực dậy cây chanh leo vì đây là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, nếu như có các chính sách ưu đãi, đầu ra ổn định... thì việc thực hiện sẽ dễ dàng hơn", ông  Kha mong muốn.