1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cần tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động với nhóm nghề nguy hiểm

Lê Hoa

(Dân trí) - Những ngành nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro, nguy cơ cao dẫn đến tai nạn lao động cần được doanh nghiệp đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề cao hơn.

Đó là đề xuất của Chuyên viên Ban Lao động, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Đào Thị Thu Huyền tại phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023 diễn ra sáng 27/4.

Bà Đào Thị Thu Huyền cho biết, hiện nay, tỷ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của các nhóm lao động đang cào bằng như nhau. Chính vì vậy, đơn vị này kiến nghị phân tỷ lệ đóng vào quỹ theo các mức độ nguy hiểm, rủi ro của nghề. Như vậy, quỹ bảo hiểm sẽ giúp ích được nhiều hơn và tạo được sự công bằng với nhóm nghề này.

Cần tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động với nhóm nghề nguy hiểm - 1

Toàn cảnh phiên đối thoại.

Theo bà Huyền, trong thời gian dịch Covid-19, Bộ đã kiến nghị Chính phủ, Quốc hội giảm tỷ lệ đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với doanh nghiệp. Nay đơn vị này đề nghị xem xét tiếp tục giảm phần đóng vào quỹ, nhằm tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp.

Về đối tượng huấn luyện sơ cấp cứu, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, hiện nay, nhà nước đang quy định tất cả người lao động, trừ những người đã có chứng nhận huấn luyện an toàn lao động đều phải học và được cấp chứng chỉ huấn luyện sơ cấp cứu.

Đơn vị này cho rằng, vấn đề trên không quá cần thiết cho tất cả người lao động. Bởi, mạng lưới vệ sinh viên an toàn lao động trong mỗi công ty đang tuân thủ rất tốt. Mỗi bộ phận đều có người rất giỏi sơ cấp cứu và phụ trách toàn bộ an toàn, sơ cấp cứu của bộ phận. Cho nên, việc huấn luyện cho toàn bộ người lao động sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp.

"Hơn nữa, trình độ tiếp thu kiến thức này không phải ai cũng học được, thực hiện được hiệu quả. Chính vì vậy, chúng tôi kiến nghị bỏ quy định tất cả đối tượng đều phải học sơ cấp cứu, mà chỉ áp dụng với hệ thống vệ sinh an toàn viên", bà Huyền góp ý.

Đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, tai nạn lao động chết người, thương tích nặng diễn ra ở lao động trẻ đang có xu hướng tăng. Đối tượng này còn chủ quan, thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn. Sau khi bị tai nạn lao động, các chính sách hỗ trợ hầu như không có.

"Người lao động tham gia bảo hiểm y tế không có hỗ trợ này. Hiện nay, bảo hiểm xã hội tự nguyện có điều chỉnh theo hướng mở rộng chế độ được hưởng, gồm cả chế độ tử tuất, thai sản, tai nạn lao động nhưng còn phải chờ.

Thực tế khác, tỷ lệ nông dân có đủ tiền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ít, chỉ chiếm 13%. Chúng tôi mong muốn có một chính sách hỗ trợ cho nông dân khi bị tai nạn lao động từ quỹ này", đại diện Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai tập huấn ở các làng nghề, ngoài nguy cơ mất an toàn từ việc vận hành máy móc, thiết bị, đơn vị này nhận thấy nhiều vấn đề khác. Có nơi cả làng cùng làm nghề, những nguy cơ về bệnh nghề nghiệp rất cao, thậm chí là ung thư. Vì vậy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam mong muốn Bộ Y tế tăng cường hơn nữa giải pháp hướng dẫn môi trường cho làng nghề để tránh bệnh nghề nghiệp.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó, góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn.

Cần tăng mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động với nhóm nghề nguy hiểm - 2

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh.

Sau 6 lần tổ chức đối thoại ở cấp quốc gia (từ năm 2017 đến năm 2022), nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Thanh cho rằng, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cùng lắng nghe, chia sẻ, bàn bạc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt là những sáng kiến về cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.  

"Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại sẽ được báo cáo, gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn, đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động tại phiên họp thường kỳ sắp tới", ông Thanh nhấn mạnh.