Căn cứ tính ngày nghỉ phép theo thâm niên làm việc
Ông Lương Duy Phong (TPHCM), sinh năm 1962, là chuyên viên chính; công tác tại Cục thanh tra, giám sát ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Phong có quá trình công tác và đóng BHXH liên tục gần 37 năm từ tháng 12/1980 đến nay.
Tính ngày nghỉ phép trường hợp chuyển công tác Căn cứ tính ngày nghỉ phép hằng năm Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ... Thôi việc mà chưa nghỉ phép thì được thanh toán... Mức lương và số ngày nghỉ phép trong thời gian... Cụ thể như sau:
- Tháng 12/1980 - 5/1987: Công tác tại Đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia, trực thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Tháng 6/1987 - 12/1993: Cán bộ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Khánh.
- Tháng 1/1994 - 7/2000: Phó Giám đốc Công ty Vàng bạc - Đá quý tỉnh Phú Yên.
- Tháng 08/2000 - 9/2015: Công tác tại các chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Ngày 1/10/2015 – tháng 4/2018: Công tác tại Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng TPHCM (Cục II), bổ nhiệm và xếp lương ngạch chuyên viên chính bậc, 8/8.
Ông Phong hỏi, thời gian nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc theo Điều 112 Bộ luật Lao động của ông là bao nhiêu ngày?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông Phong hỏi như sau:
Điểm a, Khoản 1, Điều 111 Bộ luật Lao động quy định, người lao động làm công việc trong điều kiện bình thường, có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm (nghỉ phép) 12 ngày làm việc hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.
Điều 112 Bộ luật Lao động quy định, ngày nghỉ hàng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc như sau: Cứ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 111 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 1 ngày.
Hiện nay, lực lượng lao động xã hội phân bố làm việc trong 2 khu vực gồm: Khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước. Thực tế có người lao động nhiều lần thay đổi nơi làm việc, nhưng đều công tác, làm việc trong khu vực Nhà nước.
Theo luật sư, thời gian người lao động làm việc cho một người sử dụng lao động trong khu vực Nhà nước là tổng thời gian mà người lao động đó làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; thời gian làm việc ở cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Trường hợp ông Lương Duy Phong, từ ngày 1/10/2015 đến nay đang làm việc tại Cục Thanh tra giám sát - Ngân hàng Nhà nước TPHCM, ông Phong là người đang làm việc trong khu vực Nhà nước, cho người sử dụng lao động là Nhà nước.
Để tính ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc của ông Phong, cần xác định rõ tổng số thời gian ông Phong đã làm việc liên tục trong khu vực Nhà nước, cho người sử dụng lao động là Nhà nước, bao gồm cả thời gian trước khi chuyển đến làm việc tại Cục Thanh tra giám sát – Ngân hàng nhà nước TPHCM.
Nếu thông tin về thời gian, nơi làm việc mà ông Phong cung cấp là đúng với thực tế quá trình công tác của ông và đúng với hồ sơ nhân sự lưu giữ tại cơ quan, thì theo luật sư, toàn bộ thời gian làm việc của ông Phong từ tháng 12/1980 đến nay (tháng 4/2018) được xác định là thời gian làm việc liên tục trong khu vực Nhà nước, cho người sử dụng lao động là Nhà nước dùng làm căn cứ tính ngày nghỉ phép hàng năm.
Áp dụng Điểm a, Khoản 1, Điều 111 và Điều 112 Bộ luật Lao động, trường hợp ông Phong, làm việc trong điều kiện bình thường, liên tục trong khu vực Nhà nước, cho một người sử dụng lao động là Nhà nước, từ năm làm việc thứ 36 đến hết năm làm việc thứ 40, mỗi một năm trong khoảng thời gian 5 năm này mà ông Phong có đủ 12 tháng làm việc thì được nghỉ phép 19 ngày làm việc hưởng nguyên lương.
Theo Chinhphu.vn
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.