Làm thêm dịp Tết: Cử nhân "cày sấp mặt" vẫn thua... lương công nhân
(Dân trí) - Một tháng lao vào kiếm tiền tiêu Tết, Thanh Ngân sút ký không kiểm soát, thiếu ngủ triền miên và cơ thể luôn mệt mỏi. Dù vậy, thu nhập của cô gái này chỉ 5,5 triệu đồng.
Cày cùng lúc 3 việc, lương chỉ đủ ăn
Ra trường đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, Nguyễn Hoàng Thanh Ngân (21 tuổi, quê Phú Quốc, Kiên Giang, ngụ quận 10) không thể xin được việc làm theo đúng ngành học. Chán nản, Ngân bỏ về quê vừa tránh dịch vừa tìm cách mưu sinh nhưng cũng sớm phải quay lại TPHCM vì "một ngàn cũng không làm ra".
Với mong muốn có tiền ăn Tết, Ngân miệt mài tìm thêm việc làm ngoài giờ. May mắn, cô gái trẻ được nhận vào làm thêm cùng lúc 3 công việc. Dù phải "cày ngày cày đêm" nhưng cô cũng vui vẻ vì "có tiền cho mẹ tiêu Tết".
"Ban ngày, em đi làm ở cửa hàng tiện lợi. Buổi tối làm thêm tại một công ty truyền thông để hỗ trợ sản xuất các chương trình truyền hình dịp Tết, đêm về em viết content. Thu nhập của cả 3 công việc tổng cộng khoảng 5,5 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt và tiền trọ cũng dư được chút đỉnh", cô gái 21 tuổi tâm sự.
Mỗi ngày, cô gái 21 tuổi này chỉ ngủ vài tiếng khi trời gần sáng khiến sức khỏe bị ảnh hưởng rõ rệt, cô giảm gần 5 kg. Cả ngày, Ngân luôn trong tình trạng mệt mỏi và thèm ngủ. Dù vậy, Ngân cho biết nếu tìm thêm được một công việc thời vụ online, Ngân vẫn sẽ nhận làm để kiếm thêm tiền gửi về quê cho ba mẹ sắm Tết.
Người con vùng biển đảo nói: "Năm nay tôi sẽ ăn Tết Sài Gòn. Làm xong việc này thì tôi tìm thêm việc khác vì đây là lúc nhiều công việc thời vụ tuyển nhân sự với mức lương khá hấp dẫn. Không chỉ riêng tôi, thời gian này cũng là cơ hội vàng để làm việc cho những ai cần tiền ăn Tết".
Để chấp nhận những công việc "tay trái" và mức thu nhập thua "công nhân", Ngân nói "chẳng còn cách nào khác". Với Ngân, đây là lúc để rèn luyện thêm kỹ năng sống và để kiếm tiền lo cho bản thân và gia đình.
Tết xa nhà để tiền gửi về quê
Tương tự Ngân, Mai Hoài Phương (21 tuổi, quê Ninh Thuận, ngụ quận Gò Vấp) cũng đang tất bật với công việc thời vụ là trực khu vực trang trí đồ Tết. Mỗi ngày, cô gái nhỏ phải làm việc 12 tiếng và cố gắng không nghỉ một ngày nào để được hưởng trọn vẹn 10 triệu đồng tiền lương.
"6 tháng kẹt ở quê, cả tôi và gia đình đều lâm cảnh khó khăn. Vì thế, dù dịch bệnh còn khá phức tạp tôi vẫn thuyết phục người nhà để vào lại TPHCM đi làm. Tôi hy vọng có thể kiếm chút tiền tiêu xài, dành dụm chuẩn bị cho năm mới và tặng quà Tết cho ba mẹ", Phương tâm sự.
Cô gái này nói thêm: "Gần Tết thường có những công việc thời vụ, làm trong thời gian ngắn vài tuần, vài tháng nên tôi tranh thủ làm được bao nhiêu thì làm. Với những công việc này, nhà tuyển dụng cũng không đòi hỏi kinh nghiệm hay áp đặt thời gian nên tôi thấy khá hợp lý để làm trong những ngày cận Tết".
Sau hơn 2 tuần đứng trực cụm suốt 12 tiếng/ngày, Phương nhận xét kiểu việc này tuy lương khá cao nhưng cực hơn và bào mòn sức khỏe nhanh chóng. Đồng thời, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế khi chưa có công việc ổn định.
"Dù làm thời vụ hay cố định thì chúng ta đều cần kiên trì và chịu khó. Đây là 2 yếu tố quyết định bởi nếu không chịu được áp lực của công việc đó thì dù chỉ một tuần, một tháng cũng sẽ không trụ nổi", Phương bộc bạch.
Sau khi kết thúc việc trực cụm trang trí vào cuối tháng này, Phương sẽ tiếp tục tìm một công việc thời vụ khác. Phương mong sẽ kiếm được thật nhiều tiền để gửi về quê, bản thân cô sẽ ở lại TPHCM ăn Tết để tiết kiệm chi phí.
Hiện, Phương chỉ mong sớm nhận được phần lương xứng đáng với công sức mình bỏ ra. Với số tiền đó, Phương gửi về quê cho bố mẹ, phần còn lại dùng trang trải để tiếp tục làm việc và một mình ăn cái Tết đầu tiên ở đất khách quê người.