1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Lao động nêu giải pháp "kéo" 1,3 triệu lao động về quê trở lại

An Linh

(Dân trí) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với những khó khăn của người lao động khi phải về quê tránh dịch, đồng thời ông đưa ra các giải pháp để kéo hơn 1,3 triệu lao động về quê trở lại làm việc.

Báo cáo trước phiên chất vấn chiều nay tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập đến số lượng lao động về quê do ảnh hưởng của đại dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.

Ông Dung cho biết, theo thống kê do tác động của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, đã có khoảng 1,3 triệu lao động từ TPHCM và các tỉnh trọng điểm phía Nam về các địa phương tránh dịch.

Bộ trưởng Lao động nêu giải pháp kéo 1,3 triệu lao động về quê trở lại - 1

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ chất vấn chiều nay 10/11 tại Quốc hội.

Một số tỉnh có số lao động trở về lớn là Thanh Hóa với 160.000 người, Sóc Trăng hơn 99.000 người, Nghệ An hơn 75.800 người; Đắc Lắc hơn 75.000 người, Cà Mau hơn 58.700 người...

1,3 triệu lao động né dịch về quê

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc dịch chuyển lao động ở đợt bùng dịch lần thứ 4 diễn ra tập trung ở 2 thời điểm: Trước, trong thời điểm các tỉnh, thành phố phía Nam giãn cách xã hội và sau khi nới lỏng giãn cách cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021.

Theo lãnh đạo Bộ Lao động, lao động di chuyển về các địa phương có xu hướng tìm việc, tự tạo việc làm tạm thời, các công việc này chủ yếu ở khu vực phi chính thức và có tính chất ít ổn định hơn.

"Nhìn chung, người lao động trong khu vực FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản ít di chuyển hơn, do các doanh nghiệp có chính sách giữ chân người lao động, giữ liên lạc, giữ quan hệ và hỗ trợ một phần với những lao động tạm ngừng việc, để giữ chân lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.

Theo ông Dung, lao động làm việc tại các ngành du lịch, vận tải, khách sạn,… có xu hướng chuyển dịch sang các ngành khác, xu hướng này xuất hiện từ các đợt dịch năm 2020.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, từ ngày 01/10/2021 đến nay, theo báo cáo của các địa phương nói trên, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất khoảng 50-80% công suất, lực lượng lao động phục hồi khoảng 75% so với trước dịch, có địa phương trên 90% .

Qua kiểm tra, đại diện Bộ Lao động cho biết tình trạng thiếu lao động ở nhiều doanh nghiệp so với nhu cầu và để đáp ứng đơn hàng là có, tuy nhiên mức độ không trầm trọng.

Thiếu lao động không đến nỗi trầm trọng

Theo Bộ LĐ-TB&XH, ngay cả khi không có dịch Covid-19, việc thiếu lao động cục bộ vào thời điểm cuối năm vẫn xảy ra. Cụ thể, nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp khoảng 17,8% số lao động , trong đó, tập trung cao nhất ở Bình Dương (36,9%); Bình Phước (34,4%) và Thành phố Hồ Chí Minh (31,8%) trong quý IV năm 2021 nếu phục hồi sản xuất như trước khi có dịch.

Theo Bộ trưởng Dung, có nhiều nguyên nhân việc dịch chuyển lao động như tâm lý lo ngại về dịch bệnh, về sức khỏe, tính mạng bản thân và gia đình do hầu hết chưa được tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn do thực hiện các biện pháp giãn cách kéo dài, người sử dụng lao động không có việc làm giảm thu nhập hoặc mất thu nhập, điều này khiến lao động ngoại tỉnh càng khó khăn thiếu thốn do chi phí thuê nhà, điện, nước, sinh hoạt phí...

Bộ trưởng Lao động nêu giải pháp kéo 1,3 triệu lao động về quê trở lại - 2

"Các địa phương đã rất khẩn trương để triển khai, thích ứng với tình hình mới, người lao động và doanh nghiệp đã từng bước trở lại hoạt động", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Thêm nữa, sau khi giãn cách, lao động địa phương đa số có tâm lý căng thẳng, đời sống thiếu thốn nên mong muốn về quê, có thời gian để ổn định lại tâm lý, mong muốn về quê có cảm giác yên bình và gần gũi với người thân trong gia đình.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nêu ra các giải pháp trước, trong và sau đại dịch để hồi phục sản xuất và kéo lao động về các trung tâm công nghiệp như: Cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

"Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất đối với doanh nghiệp, để phục hồi việc làm cho người lao động...", ông Dung nhấn mạnh.

Đối với người lao động, Bộ trưởng nhấn mạnh: Thời gian qua Chính phủ đã tích cực đưa ra các gói hỗ trợ, cứu trợ, song vấn đề lớn nằm ở tổ chức thực thi, để tiền đến tay người lao động. Chính vì vậy, cần tiếp tục ưu tiên mang tính trọng điểm rõ ràng hơn và người lao động cần được hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ nhà nước để phục hồi sản xuất.

Bộ trưởng cho biết: Đối với những người lao động phải di chuyển để tìm việc, động lực lớn nhất để họ quay trở lại nơi làm việc là khả năng tìm được công việc bằng/ hoặc tốt hơn công việc cũ trong môi trường an toàn.

Cần hỗ trợ lâu dài cho người lao động yên tâm làm việc

"'Các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, trong đó không chỉ nỗ lực kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.

Bộ trưởng Lao động nêu giải pháp kéo 1,3 triệu lao động về quê trở lại - 3

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Bài học qua đại dịch Covid -19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội".

Vì vậy, cần phải tiếp tục các giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh đặc biệt đến "giữ chân người lao động", ông đề nghị cần nỗ lực phòng chống, dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách "tại chỗ" và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm.

"Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các giải pháp, các chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động. Các ngành, cơ quan, tổ chức cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí như: giảm giá điện, nước, cước viễn thông, giá nhà trọ, hỗ trợ tiền phòng, tiền quay trở lại nơi làm việc,…", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.