(Dân trí) - “Chỉ tiêu về niềm tin của nhân dân đánh giá về an sinh xã hội hiện đứng thứ 5 trong số gần 30 nội dung. Niềm tin đó tăng từ 55 % lên 68 % vào tháng 9/2020 vừa qua …”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chỉ tiêu niềm tin về an sinh xã hội tăng cao
“Chỉ tiêu về niềm tin của nhân dân đánh giá về an sinh xã hội hiện đứng thứ 5 trong hơn 30 chỉ tiêu. Niềm tin đó tăng từ 55 % lên 68 % vào tháng 9/2020 vừa qua …”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ 5 của Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2020, sáng 17/11 tại Hà Nội.
Khẳng định về sự chỉ đạo, quan tâm sát sao của Đảng, Nhà nước trong suốt chặng đường 75 năm, nhất là trong 5 năm qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng đó là động lực và niềm tin để toàn Ngành nỗ lực vươn lên phấn đấu và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn và chúc mừng tới các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành đã nỗ lực để có những kết quả hôm nay.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động…”.
Bộ trưởng khẳng định: "Những đóng góp của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên từng vị trí công tác được ghi nhận và tôn vinh đã tạo nên sức lan tỏa của phong trào thi đua yêu nước của Ngành, thể hiện qua kết quả các chương trình kinh tế, xã hội quan trọng".
Đơn cử như mỗi năm, cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động; giáo dục nghề nghiệp cho trên 1,8 triệu người, đưa khoảng trên 120 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, đạt 100,6% chỉ tiêu kế hoạch.
Trong 5 năm qua, Quỹ đền ơn, đáp nghĩa đã tiếp nhận được gần 1.500 tỷ đồng, xây mới trên 55.600 ngôi nhà tình nghĩa, sửa chữa hơn 39.000 ngôi nhà của các đối tượng xã hội. Việc mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội với hình thức hỗ trợ thích hợp, các chỉ tiêu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cơ bản vượt kế hoạch đề ra…
“Tôi cho rằng việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần này là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thể hiện sự tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua đã lôi cuốn được sự tham gia của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành. Nhờ đó trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về lao động, người có công và xã hội của Bộ được Chính phủ đánh giá là một trong những Bộ xây dựng trình và thông qua được nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực của Ngành. Chỉ tính riêng năm 2019, Bộ đã hoàn thành và trình 20 đề án bảo đảm đúng tiến độ.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những kết quả đã được tổng kết trong báo cáo Đại hội, cần bổ sung 2 điểm đáng lưu ý.
“Trong muôn vàn khó khăn về tình hình kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm rất sâu sắc. Đầu tư ngân sách cho an sinh xã hội trong 5 năm qua tăng dần hàng năm. Theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, ngân sách nhà nước đầu tư cho an sinh xã hội là 21 % trong tổng đầu tư ngân sách. Việt Nam là nước đứng đầu ASEAN về đầu tư ngân sách này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bên cạnh đó, khảo sát đánh giá của Ban Tuyên giáo Trung ương về niềm tin của nhân dân đối với các lĩnh vực xã hội, trong đó hơn 30 chỉ tiêu. Theo Bộ trưởng, chỉ tiêu về niềm tin của nhân dân đánh giá về an sinh xã hội đứng thứ 5 trong gần 30 chỉ tiêu: “Niềm tin đó tăng từ 55 % lên mức 68 % vào tháng 9/2020. Đây là những kết quả rất đáng mừng”.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu toàn Ngành cần chú trọng tới yếu tố kế thừa những thành tựu của 75 năm qua trong nỗ lực hơn quyết tâm hơn, cố gắng.
“Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong toàn ngành cụ thể hóa nghị quyết Đại hội thi đua toàn quốc thời gian tới đây, trọng tâm là thực hiện tốt 4 phong trào thi đua của toàn ngành. Nhất là phong trào thi đua cả nước chung tay phong trào thi đua của toàn ngành kỷ cương sáng tạo, hiệu quả lấy đổi mới sáng tạo làm thước đo để đánh giá sự tiến bộ của toàn ngành…” - Bộ trưởng lưu ý.
Nhiều điển hình tiên tiến trong thi đua
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ những phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều đơn vị, tập thể điển hình, tiêu biểu đi đầu trên từng lĩnh vực như: Thanh Hóa, Lào Cai, Bắc Cạn, Lai Châu đã thực hiện chương tốt trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ;
Về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp có các tỉnh Bình Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội, Cần Thơ; Về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có Bắc Giang, Quảng Ngãi;
Trong việc thực hiện tốt và đổi mới công tác phòng, chống tệ nạn xã hội và giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện có Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Thọ, Ninh Bình, Sơn La, Lai Châu, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang...; Đi đầu và thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động có các thành phố Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai; Thành tích tốt trong đào tạo nghề, tạo việc làm có Yên Bái, Đắk Lắk, Bình Phước, Đồng Tháp.
Đi đầu trong việc thực hiện đúng chính sách, giải quyết nhanh hồ sơ tồn đọng, tổ chức tốt các phong trào xây dựng quỹ đền ơn, đáp nghĩa, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh nặng, làm nhà tình nghĩa, tôn tạo, chăm sóc phần mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận…