Sau khi bỏ cấp huyện, thời hạn bàn giao trụ sở, tài sản ra sao?
(Dân trí) - Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định nội dung chuyển tiếp nhằm đảm bảo các hoạt động liên thông khi sắp xếp bộ máy, trong đó nêu thời hạn thực hiện bàn giao trụ sở, tài sản...
Bên cạnh quy định về tổ chức đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi mới trình Chính phủ xem xét còn đề xuất 11 nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị mới khi chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp.
Sửa văn bản phù hợp với tổ chức chính quyền 2 cấp
Cụ thể, dự Luật nêu rõ, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày dự Luật này có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã quy định.
Để kịp thời thực hiện tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã theo quy định tại dự Luật này, dự Luật giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trường hợp liên quan đến luật, nghị quyết của Quốc hội thì báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Ảnh minh họa: Hoài Sơn).
Bên cạnh đó, dự Luật còn quy định, khi giải thể cấp huyện thì Thường trực HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chỉ định các đại biểu HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu hoặc đang thực hiện nhiệm vụ đại biểu ở phần địa phận thuộc đơn vị hành chính xã, phường, đặc khu hoặc được cơ quan có thẩm quyền điều động, bố trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của chính quyền địa phương ở xã, phường, đặc khu trực thuộc (trước khi đơn vị hành chính cấp huyện bị giải thể) làm đại biểu của HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 của xã, phường, đặc khu đó, trừ trường hợp đại biểu HĐND quận thuộc TP Hà Nội, đại biểu HĐND TP Thủ Đức.
Thêm vào đó, dự Luật cũng đề xuất trong nhiệm kỳ 2021-2026 và nhiệm kỳ 2026-2031 thì số lượng Phó Chủ tịch HĐND, Phó Trưởng Ban của HĐND tỉnh và cấp xã có thể cao hơn quy định tại dự Luật này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày dự Luật này có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND, các cơ quan thuộc HĐND, UBND, Chủ tịch UBND, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã phải hoàn thành việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất khác có liên quan cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bảo đảm cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan, không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập các Tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức việc bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài chính, ngân sách, trụ sở, tài sản, cơ sở vật chất.
Các công trình thuộc thẩm quyền của cấp huyện sẽ ra sao?
Cùng với đó, theo dự Luật, các công trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp huyện đang thực hiện nếu đến thời điểm ngày 1/7 mà vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành trước thời điểm trên nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công UBND cấp xã nơi có công trình, dự án đầu tư tiếp tục thực hiện.
Trường hợp công trình, dự án đầu tư có liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc vượt quá thẩm quyền thực hiện của chính quyền địa phương cấp xã thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục thực hiện.

Dự Luật quy định nội dung chuyển tiếp nhằm bảo đảm hoạt động liên tục, bình thường của các cơ quan, tổ chức (Ảnh minh họa: DT).
Theo dự Luật, các công việc, hồ sơ thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp huyện đang giải quyết cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nếu đến thời điểm ngày 1/7 mà vẫn chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành trước thời điểm trên nhưng sau đó phát sinh vấn đề liên quan cần giải quyết thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền địa phương cấp xã nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở giao dịch của tổ chức, doanh nghiệp đang có công việc, hồ sơ thủ tục hành chính cần giải quyết để tiếp tục giải quyết bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Trường hợp nội dung công việc, hồ sơ thủ tục hành chính đó liên quan đến từ 2 đơn vị hành chính cấp xã mới hình thành sau sắp xếp trở lên hoặc có nội dung phức tạp thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền và trách nhiệm phân công cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND cấp mình tiếp tục giải quyết bảo đảm không làm gián đoạn công việc, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.