DMagazine

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết...

(Dân trí) - Thanh tra toàn Ngành LĐ-TB&XH hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, thể hiện vai trò nòng cốt trong thanh tra, đấu tranh xử lý vi phạm, phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại...

Qua từng thời kỳ cách mạng, với đặc trưng là một khâu không thể thiếu của quản lý nhà nước nhằm kiểm soát, phát hiện, ngăn ngừa, hướng dẫn và xử lý kịp thời sai sót trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, bảy mươi lăm năm qua (23/11/1945 - 23/11/2020), Thanh tra Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã có 12 lần nhập, tách và thay đổi chức năng, nhiệm vụ.

Thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết... - 1

Nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng trong quản lý nhà nước, các thế hệ cán bộ, thanh tra viên đã luôn nêu cao tinh thần cách mạng, không ngừng rèn luyện với mục tiêu: Giữ vững bản lĩnh chính trị, nêu cao tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thực hiện Chỉ thị số 345/CT ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra kỷ cương, trách nhiệm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, cơ quan thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã có nhiều hoạt động thiết thực.

Thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết... - 2

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Đơn cử, như: Tổ chức 16 báo cáo chuyên đề gắn việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với từng nội dung kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra như “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ cương”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về liêm chính trong hoạt động thanh tra”, “tư tưởng của Bác Hồ với tầm quan trọng của đoàn kết”, “chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra gắn với học tập và làm theo tấm gương Bác”….

Lãnh đạo thanh tra đã giao Đoàn thanh niên tổ chức 12 diễn đàn “nếu tôi là…” với các nội dung sát với hoạt động thực tiễn như: Nếu tôi là Chánh thanh tra, nếu tôi là Trưởng đoàn thanh tra, nếu tôi là Bí thư đảng ủy … với các tình huống thực tiễn để cùng trao đổi cách ứng xử của từng tình huống. Đảng ủy đã chỉ đạo các chi bộ báo cáo chuyên đề với nội dung cụ thể: tư tưởng Hồ Chí Minh với hoạt động thanh tra về cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư…

Có thể nói, qua các diễn đàn, báo cáo chuyên đề, vấn đề kỷ cương, liêm chính, đoàn kết, chuyên nghiệp của cán bộ, thanh tra viên đã được nâng lên rõ rệt, bằng chứng là chưa có sự phàn nàn của đối tượng thanh tra về hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực đối với hệ thống thanh tra toàn Ngành.

Thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết... - 3
Thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết... - 4

Từ việc trau dồi nghiệp vụ, cộng với liên tục đổi mới công tác thanh tra, số cuộc thanh tra chuyên ngành hàng năm tăng mạnh, hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao trong khi số lượng cán bộ, thanh tra viên giảm từ 57 người năm 2014 còn 54 người năm 2019.

Nội dung thanh tra được triển khai trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành. Ngoài những lĩnh vực đã có bề dày hoạt động như thanh tra lao động, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, các lĩnh vực an sinh xã hội khác cũng được tập trung triển khai thanh tra.

Bằng việc áp dụng  phương pháp thanh tra theo Chiến dịch trong những lĩnh vực khác nhau, đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và yêu cầu về đảm bảo tuân thủ pháp luật tại các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành, ngay lập tức mang lại hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như thúc đẩy an sinh xã hội.

Thanh tra Bộ LĐ-TBXH: Rèn luyện tính kỷ cương, liêm chính, đoàn kết... - 5

Ngành may mặc tạo được uy tín trên thị trường thế giới do sản phẩm không sử dụng lao động chưa thành niên, chấp hành tốt pháp luật lao động, thị trường liên tục được mở rộng.

Số vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng giảm rõ rệt: từ chiếm khoảng 35,2% đến 37% số vụ tai nạn lao động chết người năm 2015 về trước, qua chiến dịch thanh tra năm 2016, ngay lập tức kéo giảm số vụ tai nạn lao động chết người xuống 23,8% và từ năm 2017 đến nay tỷ lệ này chỉ còn 15%.

Tương tự, một số ngành kinh tế khác cũng được hưởng lợi thông qua chiến dịch thanh tra: các ngành xuất khẩu ngày càng tạo được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, mở được các thị trường mới, tai nạn lao động giảm, các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động được đảm bảo.

Tuy nhiên, với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam ngày càng hùng cường, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, với sự tham gia ngày càng sâu, rộng của Việt Nam với các tổ chức song phương, đa phương trên thế giới, đòi hỏi công chức thanh tra toàn Ngành cần phải nỗ lực hơn nữa, phải nhận thức được chất lượng thực thi công vụ được nâng cao khi và chỉ khi trình độ được nâng lên.

Đồng thời với bản lĩnh chính trị phải được trau dồi hơn nữa, rèn luyện vững vàng, đạo đức công vụ và sự liêm chính trong hoạt động thanh tra phải được chú trọng; mỗi cán bộ, công chức, viên chức thanh tra phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”.

Để đạt được mục tiêu trên, bản thân từng cán bộ, thanh tra viên phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu,  nghiên cứu, rèn luyện  các vấn đề có liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức xã hội; tự trau dồi các quy định của pháp luật ở lĩnh vực được giao, bởi một kết luận, quyết định thanh tra có sai sót sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường.

Chỉ có thể nâng cao kiến thức bản thân nếu tôn trọng và yêu quý công việc của mình, nghề nghiệp của mình, với tôn chỉ “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ đó xây dựng cho mình lộ trình học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn bằng cách nghiên cứu kỹ các quy định để ứng dụng trong thực tiễn thanh tra; khi đã có kiến thức cơ bản, tham gia viết bài trao đổi, tham luận trên các báo, tạp chí, tham gia giảng bài ở các lớp tập huấn....

Những hoạt động như vậy vừa là yêu cầu tự nhiên nếu muốn bài viết, bài giảng của mình đạt yêu cầu, vừa là kênh tiếp nhận phản hồi hoặc đề nghị giải đáp của dư luận, của học viên, qua đó lại là điều kiện, chất xúc tác để nghiên cứu, nâng cao trình độ.

Tập thể Thanh tra Bộ phải tiếp tục xây dựng một tập thể đoàn kết, thống nhất trong các hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể, chú trọng giáo dục cán bộ, thanh tra viên thật sự liêm chính trong hoạt động, không để xảy ra hiện tượng vòi vĩnh, tiêu cực trong toàn hệ thống.