1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bỏ quy định 48 giờ làm/tuần, doanh nghiệp Nhật Bản lo tuyển thêm 32.000 lao động

(Dân trí) - “Nếu giảm giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, 56 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải chịu áp lực tuyển thêm khoảng 32.000 lao động để đáp ứng cùng một khối lượng sản xuất trong năm...”

Bỏ quy định 48 giờ làm/tuần, doanh nghiệp Nhật Bản lo tuyển thêm 32.000 lao động - 1
Ảnh minh hoạ

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (Hiệp hội), cho biết tại Hội thảo góp ý về dự thảo sửa đổi Luật lao động. Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chiều 8/8 tại Hà Nội.

Được biết, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đang sử dụng hơn 320.000 lao động, trong đó có nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động như Canon, Panasonic, Toyota, Denso…

“Đây chỉ là con số thống kê của 56/1500 doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, chưa kể còn rất nhiều doanh nghiệp và các Hiệp hội khác sẽ phải chịu áp lực rất lớn khi đối mặt với việc phải tuyển thêm số lao động lớn khi cắt giảm giờ làm” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.

Bỏ quy định 48 giờ làm/tuần, doanh nghiệp Nhật Bản lo tuyển thêm 32.000 lao động - 2

Bà Đào Thị Thu Huyền

Không đồng tình với đề xuất giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ xuống 44 giờ, đại diện Hiệp hội tại hội thảo dẫn chứng thêm: Tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần hiện nay của các quốc gia đang phát triển và cạnh tranh lao động với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào đều là 48 giờ/tuần.

“Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, do vậy, không có lý do gì để Việt Nam cắt giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ” - bà Đào Thị Thu Huyền nói.

Cũng theo Hiệp hội, thực tế giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam với 200 giờ/năm là quá ít, khiến nhiều doanh nghiệp đành phải “vượt khung” làm thêm giờ để có thể đáp ứng đủ tiến độ sản xuất, cung cấp hàng hoá.

Bà Đào Thị Thu Huyền lo ngại: “Thời giờ làm việc tiêu chuẩn cũng bị cắt giảm, các doanh nghiệp trong nước sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, có thể gây mất niềm tin và không còn đơn đặt hàng nào từ khách hàng trong tương lại. Thậm chí, nguy cơ các công ty đa quốc gia cũng sẽ phải chuyển sản xuất sang các nước khác, khối lượng công việc ở Việt Nam theo đó cũng sẽ giảm đi đáng kể”.

Trong khi đó, thách thức từ việc việc “nén” thời gian làm việc trong tuần sẽ buộc doanh nghiệp tìm tới phương án tuyển thêm lao động chỉ để đáp ứng tốc độ sản xuất vốn có.

“Tuy nhiên, tình hình tuyển dụng lao động hiện tại ở Việt Nam vô cùng khó khăn. Các doanh nghiệp phải thường xuyên đi đến các tỉnh xa để tuyển dụng nhưng không tuyển đủ lao động. Nhân lực không đủ, các doanh nghiệp buộc phải tổ chức làm thêm giờ nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất” - đại diện Hiệp hội tại hội thảo cho biết.

Thậm chí với phương án tuyển dụng đủ nhân lực, các chi phí kéo theo như đào tạo, bảo hiểm xã hội cũng sẽ buộc doanh nghiệp phải chi thêm một khoản không nhỏ.

“Thêm vào đó, chi phí làm thêm giờ của Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác. Điều này sẽ làm giảm đi đáng kể sức cạnh tranh về nguồn lực lao động của Việt Nam với các nước khác” - bà Đào Thị Thu Huyền cho biết.

Lo ngại việc trả lương làm thêm theo luỹ tiến cao

Bà Đào Thị Thu Huyền cho biết: Tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã cao so với thời giờ làm việc bình thường (hưởng mức 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết). Đồng thời, mức tính này cao hơn so với quy định của Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%). Thậm chí tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%).

Hoàng Mạnh