Bỏ phố về quê trồng sâm "tiến vua", cô gái thu hàng trăm triệu đồng/tháng
(Dân trí) - Nhờ đầu tư vào loại nhân sâm quý hiếm - sâm bố chính, chị Ngọc Bích cùng Hoàng Cương có được nguồn thu nhập "khủng", tạo việc làm cho người dân ở địa phương.
Đang hừng hực khởi nghiệp thì trồng 10 cây chết 9
Ngay từ nhỏ, chị Phan Thị Ngọc Bích (36 tuổi, ngụ huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) đã chứng kiến cảnh ba mẹ làm việc nặng nhọc, vất vả và thường xuyên phải dùng thuốc tây cho những cơn đau lưng nhức mỏi. Vì thế, chị mong muốn tìm ra loại thảo dược thay thế thuốc tây vừa có tác dụng chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh đau nhức cho ba mẹ.
Sau khi tốt nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, chị Bích trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Không lâu sau, khi đã tích cóp được số vốn và một số kinh nghiệm nên quyết tâm về quê để thực hiện mong ước khi còn nhỏ.
"Lúc đó cứ làm việc miệt mài không lo nghĩ, vì muốn tích cóp đủ số tiền để khởi nghiệp. Nhưng nếu nói đủ thì chắc chắn không biết đến bao giờ mới đủ, nên tôi nghiêm túc nghĩ về việc lập tức bắt tay vào xây dựng kế hoạch của mình", chị Bích nói.
Giữa năm 2018, Bích gặp lại người bạn thân học chung từ tiểu học - chị Nguyễn Phượng Hoàng Cương. Thấu hiểu niềm đam mê khởi nghiệp ngành nông, cả hai đã cùng tìm tòi, học hỏi những loại cây dược liệu. Do làm trong ngành y tế, chị Cương tìm hiểu và biết về loại nhân sâm quý - sâm bố chính, có công dụng cao cho những người bị mất ngủ hay vấn đề về khớp.
Nghĩ là làm, cả hai cùng góp vốn hơn 200 triệu đồng, thuê 1 ha đất, mua hạt giống từ miền Tây với giá 8 triệu đồng/kg về trồng.
"Nghe người ta nói cây này dễ trồng, không cần chăm sóc gì nhiều thì tôi cũng không tin lắm, nhưng vẫn hi vọng nhiều. Lúc mang về trồng thì gặp vô vàn khó khăn, tưởng chừng như đã bỏ cuộc giữa chừng", chị Bích kể.
Thời gian đầu, cả hai phải đối mặt với nhiều vấn đề về thời tiết, các loại cỏ dại xung quanh. Tuy nhiên, do không có nhiều kinh nghiệm, hơn 90% cây giống chết sạch, chỉ giữ lại được số lượng ít khiến cô gái "ngã ngửa".
"Nhiều lúc gần như cạn kiệt tiền, trắng tay và rất nản, nhưng may mắn là chúng tôi vẫn động viên, làm chỗ dựa cho nhau để vượt qua khó khăn", chị Bích bộc bạch.
Hơn 200 triệu đồng đầu tư ban đầu coi như mất trắng, Bích tìm cách huy động vốn từ tín dụng cá nhân để tiếp tục chứ không nhờ vả gia đình. Đồng thời, cô gái vẫn tiếp tục công việc văn phòng ở TPHCM để xây dựng lại nguồn vốn.
Cuối năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch bị "đứng sững" nên Bích lấy đó làm cơ hội về quê tập trung khởi nghiệp. Riêng chị Cương vẫn ở lại thành phố vì có gia đình riêng, nhưng vẫn cùng Bích khởi nghiệp từ xa.
Sau những thất bại và lần tìm hiểu cách trồng hiệu quả, số lượng nhân sâm thu được cũng tăng lên. Không những vậy, nhà đầu tư nước ngoài cũng biết tới mô hình trồng sâm của hai cô gái và ngỏ ý đưa kỹ sư đến hỗ trợ, lai tạo giống hồng sâm Mỹ với sâm bố chính để tối ưu lợi nhuận.
Trong đợt dịch Covid-19, công ty chị Bích cùng với sự hỗ trợ của mạnh thường quân đã nấu hơn 3.000 phần chè nhân sâm và cháo gà nhân sâm gửi đến các y bác sĩ, bệnh nhân TPHCM. Từ đó, càng có thêm người biết đến thương hiệu, giúp chị mở rộng được nguồn khách hàng nên công việc kinh doanh rất thuận lợi ngay sau khi dịch tạm lắng.
Không dễ để có thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng
Theo chị Bích, sâm bố chính là một trong những loại nhân sâm quý thời nhà Nguyễn, thường được dâng lên cho vua. Với tính kén đất, khó trồng, cô gái cho rằng cái gì càng khó trồng thì càng quý hiếm, càng mang giá trị cao.
"Nhiều người hiểu lầm nhân sâm dễ trồng nhưng lại tạo lợi nhuận cao, rồi đầu tư vào mà không tìm hiểu kỹ dẫn đến thua lỗ. Thực tế tiềm năng kinh tế cao là đúng nhưng trồng sâm bố chính rất khó, phải bỏ nhiều công sức mới mong đạt được thành quả tốt", chị Bích tâm sự.
Cụ thể, chu kỳ chăm sóc và thu hoạch sâm bố chính diễn ra hơn 1 năm. Song, đến thời kỳ thu hoạch, không phải thửa nào cũng cho kết quả tốt. Đặc biệt, loại cây này còn có chất nhờn, kén đất ẩm và dễ bệnh.
Vì vậy, người trồng luôn phải kiểm tra, xử lý chất lượng đất, diệt cỏ xung quanh, phủ lớp nano Mỹ để tránh côn trùng,… Chị Bích còn bón lót phân hữu cơ cho cây vào thời gian đầu xuống giống, hạn chế trong lúc cây đang sinh trưởng.
Không những vậy, chị Bích còn kết hợp trồng thêm các loại cây khác sau thu hoạch, để hồi phục lại thổ nhưỡng cho lần xuống giống sâm bố chính tiếp theo. Hiện tại, chị Bích và chị Cương vẫn duy trì diện tích vườn 5 ha, nhưng chia nhỏ và phối hợp với người dân xung quanh trồng để dễ quản lý, chăm sóc.
"Tôi có thể thu hoạch 5-7 tấn/ha trong 1 năm, hiện đang phấn đấu lên 10 tấn. Nguồn khách hàng đến từ khắp cả nước, thường liên hệ thông qua kênh bán hàng mạng điện tử. Riêng sản phẩm xuất ra nước ngoài, chúng tôi chỉ có thể xuất sản lượng thô rồi thông qua đối tác để cung cấp cho thị trường ở Mỹ", chị Bích chia sẻ.
Hiện tại, chị Bích cung cấp ra thị trường khoảng 30 phẩm khác nhau với mức giá dao động từ 50.000 đồng đến 890.000 đồng. Không dừng lại ở đó, chị còn kết hợp với các đơn vị du lịch, nhằm thu hút người dân đến tham quan, tìm hiểu và có thêm nhiều kiến thức về loại nhân sâm quý hiếm. Từ đó, mỗi tháng doanh thu của chị có thể lên đến 500 triệu đồng.
Không chỉ tạo ra thu nhập cho bản thân, công ty chị Bích và chị Cương còn góp phần làm thay đổi cơ cấu cây trồng ở địa bàn, tạo việc làm cho hàng chục công nhân. Sắp tới, cả hai sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về công thức mới cho trà nhân sâm và những sản phẩm khác. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ kết nối với những cửa hàng, siêu thị về sản phẩm sức khỏe, nhằm mở rộng thị trường.