1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Bình khí nén bị rò rỉ "phóng như tên lửa", 2 người thoát nạn trong gang tấc

Thanh Tùng

(Dân trí) - Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh 2 người thợ đang thử bình khí nén tự chế thì chiếc bình phát nổ. Rất may, họ đã thoát nạn.

Nội dung đoạn clip ghi lại cảnh 2 người tại gara ô tô đang đứng cạnh chiếc bình màu xanh được cho là bình khí nén tự chế thì xảy ra sự cố rò rỉ khí. Rất may họ đã kịp thời phát hiện và tháo chạy, thoát khỏi tai nạn trong gang tấc. Còn chiếc bình xì hơi và bị đẩy nhanh ra phía ngoài.

Nhiều người xem clip thót tim khi chứng kiến sự cố nêu trên, đồng thời cho rằng có thể bình khí nén tự chế có lỗi kỹ thuật nên mới xảy ra vụ việc.

"Khí nén thì không thể tự chế được đâu, áp suất lớn nổ banh xác", bạn Bạch Đế bình luận; "Bình khí nén hai đầu phải tròn để khí trong đó đảo chiều, hàn bằng như thế thì chịu rồi, nổ là phải", bạn Trai Đất Thép nêu quan điểm.

Bình khí nén bị rò rỉ phóng như tên lửa, 2 người thoát nạn trong gang tấc - 1

Phút giây hai người thợ tháo chạy khi chiếc bình khí nén xì hơi (Ảnh: Cắt từ clip).

Bạn Mai Thao Huan cho rằng: "Thợ hàn không có tay nghề chuyên môn về thiết bị áp lực"; còn bạn Quan1994 bày tỏ: "Sao người ta không thêm van an toàn, khi đến áp suất nào đó, van sẽ tự xả"; "Chắc lắp van an toàn hỏng nên áp lực hơi cao nó mới không tự xả được thôi", một bạn khác bình luận.

Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra khi sử dụng bình khí nén, thậm chí đã có những vụ việc dẫn đến tử vong. Đơn cử như ngày 12/6/2020, ông P.V.P. - một thợ sửa xe tại tỉnh Bình Dương - khi đang sử dụng bình khí nén thì chiếc bình bất ngờ phát nổ. Hậu quả, ông P. bị đứt lìa cánh tay, mặc dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó.

Theo thầy Trịnh Đình Chung (Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa), việc nổ bình khí nén có nhiều nguyên nhân như môi trường làm việc, cặn dầu bôi trơn và đặc biệt là lỗi nhiệt độ và áp suất.

Bình khí nén bị rò rỉ "phóng như tên lửa", 2 người thoát nạn trong gang tấc

"Bình khí nén phải có van an toàn khi nén khí, khi áp suất vượt quá quy định thì van an toàn sẽ tự động thải khí ra ngoài. Thứ hai, máy nén khí phải có hệ thống rơ le cắt, nếu đã bơm đủ áp suất vào bình thì rơ le sẽ tự ngắt. Ngược lại, khi hai hệ thống rơ le và van an toàn có vấn đề thì sẽ gây nổ bình", thầy Chung cho biết.

Cũng theo thầy Chung, bình khí nén phải được thiết kế đảm bảo an toàn theo quy định. Thông thường, dựa vào lượng áp suất cho mỗi loại bình, nhà sản xuất sẽ lựa chọn độ dày của vỏ bình cho phù hợp.

"Trường hợp bình khí nén này xem qua hình ảnh đã không đúng thiết kế. Thông thường bình khí nén phải được thiết kế theo hình trụ, trông giống hình quả bom. Khi không có kinh nghiệm thì việc chế bình khí nén rất nguy hiểm, vì vậy khuyến cáo mọi người không nên tự chế bình khí nén", thầy Chung cho biết thêm.