1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Doãn Công

(Dân trí) - Trong buổi giao lưu gặp mặt người có công tiêu biểu tỉnh Bình Định, khi người dẫn chương trình vừa hỏi về sự hi sinh của chồng và con, Bà mẹ Việt Nam anh hùng bật khóc, nghẹn ngào nói chẳng thành lời…

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 1
Bình Định tổ chức gặp mặt tri ân người có công tiêu biểu và các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngày 27/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định tổ chức buổi lễ gặp người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh, nhân kỷ niệm 73 năm ngày thương binh, liệt sĩ 27/7/1947- 27/7/2020.

50 năm mòn mỏi chờ chồng, con

Buổi lễ gặp mặt tri ân ý nghĩa có 75 gương người có công tiêu biểu của tỉnh Bình Định cả trong thời chiến và thời bình. Đặc biệt là sự hiện diện của Bà mẹ Việt Nam anh hùng đại diện cho hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Bình Định.

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 2
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương bật khóc khi nhắc về chồng, con

Báo cáo công tác đền ơn đáp nghĩa trước các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã chi gần 200 tỷ đồng cho việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với 6.173 căn nhà, trong đó xây mới 3.481 căn và sửa chữa 2.692 căn, góp phần hỗ trợ nhà ở cho người có công ngày càng đẹp, khang trang.

Hàng năm, tỉnh và địa phương đã huy động từ nguồn xã hội hóa, từ ngân sách các địa phương hàng chục tỷ đồng để thăm, tặng quà cho người có công trong các dịp lễ, tết. Đời sống người có công ngày càng tăng cao, đã có nhiều gương sáng vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội.

“Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người có công đời sống còn khó khăn, cần chung tay giúp đỡ của đồng bào, một số đối tượng người có công vẫn chưa được xác nhận. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ chưa được tu bổ, sửa sang kịp thời… chúng tôi sẽ khắc phục trong thời gian tới”, ông Quang nói.

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 3
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long (giữa) và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Định Nguyễn Mỹ Quang thăm hỏi, động viên thương binh.

Trong không khí xúc động và tự hào, đặc biệt trong phần giao lưu giữa Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương (ở TP Quy Nhơn, Bình Định), có chồng và con trai hi sinh, khiến cả hội trường chỉ biết lặng người lắng nghe.

Khi người dẫn chương trình vừa nhắc đến sự hi sinh của chồng, con thì Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương bật khóc, giọng nghẹn ngào nói không thành lời.

“Con gái thì bị tù đày, chồng và con trai thì không có tin tức gì. Năm 1966, tôi nghe tin chồng vào chiến trường miền Nam, cứ ngóng trông ngày chồng về thăm gia đình, vợ con. Nhưng đợi hoài, đợi mãi cho đến bây giờ cũng chẳng thấy chồng, con trở về…”, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương kể.

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 4
Thương binh hạng 1 Nguyễn Công Trường (ở thị xã Hoài Nhơn) bị cụt 2 chân, tỷ lệ thương tật 92%.

Trải qua bao đau thương, mất mát, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ hôm nay: “Chiến tranh qua để lại bao đau khổ, mất mát to lớn cho nước nhà. Mẹ mong những thế hệ trẻ sau này noi gương lớp cha anh đi trước để xây dựng nước nhà mãi bình an, bà con mãi được ấm no, hạnh phúc”.

Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng vết thương vẫn còn đó, biết bao nhiêu người lính đã gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường, đặc biệt nhiều liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.

Trăn trở vì những phần mộ chưa tìm thấy

Được mời lên trong buổi giao lưu, thiếu tá Vũ Ngọc Lâm, thuộc Ban chính sách - Phòng Chính trị - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định - đơn vị được giao tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ, chia sẻ: Bình Định là địa bàn trọng điểm của Quân khu 5 và cả nước. Trong kháng chiến đã có nhiều liệt sĩ hi sinh, trong đó nhiều liệt sĩ hi sinh chưa được đoàn tụ với gia đình, chưa được đưa vào án táng trong nghĩa trang liệt sỹ.

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 5
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long tặng hoa, quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

“Chúng tôi với chức năng là cơ quan tham mưu, bằng trách nhiệm, tình cảm của mình hết sức nỗ lực, tìm kiếm thông tin, rà soát hồ sơ, xác định khu vực có hài cốt liệt sĩ tiến hành quy tập đưa vào án táng nghĩa trang liệt sĩ”, thiếu tá Lâm nói.

Theo thiếu tá Lâm, từ năm 2013, đơn vị phối hợp với các địa phương tiến hành cất bốc, quy tập 789 mộ liệt sĩ, trong đó có 329 mộ liệt sĩ có hài cốt đưa vào án táng nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Định cũng như bàn giao cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

“Mỗi lần quy tập hài cốt liệt sĩ là một kỷ niệm không thể quên được, vui có buồn có. Vui vì tìm thấy hài cốt liệt sĩ để đưa các anh về cùng với gia đình, đồng chí, đồng đội an nghỉ trong các nghĩa trang liệt sĩ, còn buồn vì chưa tìm thấy các phần hài cốt của các anh. Mỗi lần như thế chúng tôi rất trăn trở, không biết cách xác định vị trí của chúng tôi đã chính xác hay chưa”, thiếu tá Lâm chia sẻ.

Bình Định có hơn 5.200 Bà mẹ Việt Nam anh hùng - 6
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định Hà Duy Trung và thiếu tá Vũ Ngọc Lâm - đại diện cho thế hệ trẻ tham gia giao lưu.

Trong khi đó, anh Hà Duy Trung, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định cho biết, với truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tuổi trẻ Bình Định đã hành động bằng nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc người có công, huy động ĐVTN đóng góp những ngày công xây dựng, sửa chữa những ngôi nhà cho người có công, thu hút nhiều ĐVTN tham gia.

Qua đó, thể hiện vai trò, trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa… 

Không để gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo

Tại buổi gặp mặt người có công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long đề  nghị các cấp Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung chăm lo các gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng trước đây, phấn đấu không để hộ người có công nghèo.

Trong đó, ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công, như phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, dạy nghề tạo việc làm, giúp đỡ các gia đình chính sách khó khăn phát triển sản xuất. Hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công…