Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định

Doãn Công

(Dân trí) - Gần 7 năm qua, ngôi nhà của cựu chiến binh Phạm Sáu (53 tuổi, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, Bình Định) luôn rộn ràng tiếng đàn, hát. Người đến học đủ thành phần từ học sinh nghèo đến thợ cắt tóc…

Người lính trở về

Cựu chiến binh Phạm Sáu vốn sinh ở Thừa Thiên Huế, trong một gia đình 10 anh chị em. Thời chiến tranh khốc liệt, ông theo cha mẹ chạy dạt vào Đà Nẵng sinh sống.

Tuổi thơ của người lính cụ Hồ cũng gắn với những lần theo cha mẹ chạy giặc, ẩn náu dưới hầm để tránh những trận càn quét của quân địch.

Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định - 1
Cựu chiến binh Phạm Sáu mở lớp dạy đàn miễn phí cho học sinh nghèo có đam mê âm nhạc

Sau khi đất nước giải phóng, gia đình đông con, nên ông chỉ học đến lớp 9 rồi phải nghỉ học giúp cha mẹ. Năm 1988, người lính trẻ Phạm Sáu lên đường nhập ngũ và đóng quân ở An Khê (tỉnh Gia Lai), sẵn sàng chi viện cho chiến trường ở Campuchia lúc bấy giờ.

“Thế hệ của tôi vào quân ngũ không còn trực tiếp được cầm súng tham gia chiến đấu, nhưng cũng thuộc đơn vị chủ lực sẵn sàng ra chiến trường khi có lệnh...”, người cựu chiến binh chia sẻ.

Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định - 2

Nhiều năm qua, ngôi nhà của cựu chiến binh Phạm Sáu luôn rộn tiếng đàn, hát

Năm 1990, sau khi xuất ngũ ông Sáu lập gia đình rồi lao vào làm kinh tế. Phát huy bản chất người lính cụ Hồ, ông Sáu tiên phong ra tận huyện Phù Mỹ (Bình Định) nhận trên 6 ha đất trồng rừng theo Chương trình PAM phủ xanh đất trống, đồi núi trọc từ năm 1995.

Đến năm 2012, ông vừa trồng rừng kết hợp mô hình trang trại chăn nuôi gà, vịt, heo, bò lai, đào ao thả cá…

“Khi chuyển sang làm trang trại chăn nuôi bò lai, heo rừng, nuôi gà vịt thì thất bại nhiều hơn thành công, bởi không dịch bệnh thì "điệp khúc" được mùa nhưng mất giá. Năm xảy ra dịch cúm gà đầu tiên, gia đình gần như “tan gia bại sản”. Dù đàn gà không bị dịch cúm song cũng không xuất bán được, trong khi dịch kéo dài đành phải đào hố tiêu hủy”, ông Sáu kể lại.

Ông Sáu cho biết thêm, thất bại từ nuôi gà ông tiếp tục vay ngân hàng mở trang trại nuôi heo. Trớ trêu thay lứa heo năm đó trúng ngay đợt dịch heo tai xanh nên tiếp tục trắng tay. Ông Sáu chuyển qua nuôi bò lai thì dính luôn dịch lở mồm long móng khiến gia đình ông lao đao.

Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định - 3
Các em học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân thường xuyên đến nhà ông Sáu học đàn, học hát.

Việc chăn nuôi heo, bò bấp bênh nên tôi đào ao nuôi cá, xung quanh ao trồng cây sanh, cây si để tạo cảnh quan. Thời điểm đó, khu vực này có dự án phát triển khu du lịch, ông đã có ý tưởng sẽ hình thành lên một khu du lịch sinh thái.

"Tôi trồng nhiều cây cảnh xung quanh tạo nên một khu vực cảnh quan rất đẹp. Trong cái rủi có cái may, giữa lúc gia đình bên bờ vực phá sản thì năm đó cây sanh, cây si có giá. Nhiều người “săn lùng” mua cây để đưa ra Hà Nội bán nên tôi bán hết cât lấy tiền trả nợ ngân hàng”, cựu binh Phạm Sáu chia sẻ.

Dạy miễn phí cho học sinh nghèo

Sau năm 2012, nhận thấy thị trường gỗ nguyên liệu đang lên, ông Sáu chuyển sang trồng cây keo lai, vừa cho thu nhập ổn định vừa ít công chăm sóc.

Kinh tế gia đình ổn dần, ông Sáu có thời gian nhiều hơn ở nhà chăm lo gia đình và tham gia các phong trào của địa phương với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực 3 của phường Bùi Thị Xuân.

Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định - 4

Ông Sáu tìm mua đàn cũ hoặc đi xin những người bạn có đàn cũ không dùng để tặng cho học sinh không có điều kiện mua đàn.

Phát huy được bản chất truyền thống bộ đội cụ Hồ, ông Sáu rất nhiệt tình trong công tác từ thiện, vận động bà con làm đường bê tông hẻm. Đặc biệt, việc mở lớp học nhạc miễn phí cho các em học sinh tạo ra một sân chơi bổ ích, qua đó nuôi dưỡng ước mơ, sở thích của các em học sinh.

Gần 7 năm qua, lớp dạy nhạc miễn phí của ông Sáu ngày nào cũng rộn tiếng đàn, hát. Người đến học không chỉ có các em học sinh Trường THCS Bùi Thị Xuân, mà có cả người làm nghề cắt tóc hoặc bất cứ ai mê đàn ghi ta, ông đều tận tình chỉ dạy.

Với các em học sinh, mỗi lần tập ca khúc mới về cách mạng, ông Sáu kể thêm về tác giả, hoàn cảnh ra đời. Qua đó, lồng ghép những câu chuyện về lịch sử, kháng chiến của dân tộc... để giúp các em bổ sung kiến thức lịch sử của mình.

Em Phương Thảo (lớp 8A4, Trường THCS Bùi Thị Xuân) chia sẻ: “Sở thích em là âm nhạc, ca hát nhưng không có điều kiện để học. Từ ngày bác Sáu mở lớp dạy đàn miễn phí, ngày nào rảnh em đều đến nhà bác học đàn. Đến đây, em vừa có thể học đàn, vừa học thêm về lịch sử, bởi mỗi ca khúc về cách mạng bác Sáu đều kể rất sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ…”.

Do học sinh ở đây chủ yếu là con gia đình nông dân còn khó khăn, ông Sáu đã đi xin những cây đàn cũ, sửa chữa lại để tặng cho những em học sinh không có điều kiện mua đàn.

Qua nhiều năm hoạt động, lớp học đặc biệt của ông Sáu thu hút hàng trăm em tham gia. Nhờ sự chỉ dạy tận tình mà nhiều em từ không biết gì giờ đã chơi nhiều bản nhạc, nhiều em tham gia biểu diễn trong các hội thi của trường, tham gia đàn hát ở phòng trà…

Lớp dạy nhạc miễn phí của một cựu chiến binh ở Bình Định - 5
Ngoài học đàn, ông Sáu còn giáo dục cho các em học sinh về lịch sử của dân tộc qua các bài hát về cách mạng...

“Xuất phát từ việc tôi chơi đàn, nhiều cháu đi học ngang nhà đứng lại chăm chú nghe đàn. Trong khi đó, nhiều cháu sau giờ học tìm đến quán internet chơi game hoặc la cà chơi bời. Do vậy, tôi mở lớp dạy đàn miễn phí giúp các cháu có được sân chơi lành mạnh, đồng thời qua đó kể chuyện lịch sử cho các cháu nghe”, ông Sáu chia sẻ.

Ông Trần Thanh Vui, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bùi Thị Xuân, cho biết việc cựu chiến binh Phạm Sáu mở lớp dạy đàn miễn phí cho học sinh ở phường được Hội Cựu chiến binh phường, chính quyền địa phương và nhân dân địa phương rất ủng hộ.

Đây là môi trường rất bổ ích, tránh tình trạng các cháu sau giờ học la cà chơi bời, vào các tiệm internet chơi game sẽ không tốt cho các cháu. Không chỉ dạy nhạc, ông Sáu còn truyền thụ lại lý tưởng cách mạng, truyền thống chiến đấu anh dũng của thế hệ cha, anh cho các em học sinh.