1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bình Định:

Thương binh mở xưởng may, dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo

Doãn Công

(Dân trí) - Không chỉ làm giàu cho gia đình mà xưởng may hộ gia đình của thương binh Nguyễn Thúc Phước còn dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Từ nhiều năm nay, thương binh hạng 2/4 Nguyễn Thúc Phước (58 tuổi) là hội viên Hội Cựu chiến binh thôn Kiều An, xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Ông là một trong số hàng ngàn người con quê hương Bình Định tham gia trong những đoàn quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế cao cả ở Campuchia.

Năm 1980, khi đó ông tròn 18 tuổi và vừa thi đại học vào Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn (nay là Trường ĐH Quy Nhơn) thì nhận giấy báo đi khám nghĩa vụ quân sự.

Thương binh mở xưởng may, dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo - 1
Cơ sở may mặc hộ gia đình của thương bình Nguyễn Thúc Phước.

Ông Phước kể: "Tháng 7/1980 tôi thi đại học xong thì ngày 6/8/1980 lên đường nhập ngũ thuộc Đại đội 7, Sư đoàn 307 - một đơn vị bộ binh chiến đấu của Quân khu 5. Thời điểm đó như lệnh tổng động viên, có lệnh là lên đường chiến đấu".

Sau khi khám trúng tuyển, ông được huấn luyện 3 tháng ở An Sơn (Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Bình Định) rồi lên đường qua thẳng chiến trường Campuchia, cùng các đơn vị khác của Quân khu 5 tham gia tiêu diệt địch tại cứ điểm Chom-cơ-san, tỉnh Prết Vi-hia, Campuchia.

“Cuộc chiến không trường kỳ như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Nhưng cuộc chiến giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt cũng không kém phần khốc liệt. Bao nhiêu xương máu của quân tình nguyện Việt Nam, của đồng đội, đồng chí chúng tôi đã đổ xuống chiến trường này”, ông Phước chia sẻ.

Sau 4 năm chiến đấu ở Campuchia, ông Phước tham gia nhiều trận chiến ác liệt, có những trận đánh giằng co kéo dài. Dù gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam vẫn quyết tâm tiêu diệt quân Pôn Pốt, chúng đã giết hại dã man nhiều người dân vô tội.

Thương binh mở xưởng may, dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo - 2
Lạo động chủ yếu là dân người dân ở địa phương

Kể về những trận đánh ác liệt, ông Phước nói: “Trong 3 trận chiến ác liệt tôi từng tham gia thì trận tổng lực đánh chiếm Đền Prết Vi-hia, nằm trên dãy Đăng Rết trên tuyến biên giới Campuchia - Thái Lan, có lẽ là gian khổ nhất. Bởi đền này nằm trên đỉnh núi cao nên muốn tấn công quân ta phải trèo núi, nhiều đoạn dốc đứng phải dùng thang gỗ để trèo…”.

Sau 4 năm cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, ông Phước trở về hưởng chế độ phục viên chuyển ngành. Ông được phân công làm cán bộ phòng thuế vụ ở huyện Phù Cát từ năm 1985. Nhưng đến năm 1990 thì ông xin nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi đồng lương không đủ lo gia đình, vợ con.

“Thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng không đủ trang trải cuộc sống, bất đắc dĩ tôi phải nghỉ làm công việc nhà nước. Tôi và vợ lao vào làm kinh tế với hy vọng cuộc sống gia đình ổn định, sau đó có thể giúp đỡ cho người dân còn khó khăn”, ông Phước nói.

Sau khi nghỉ làm công việc nhà nước, ông Phước mở cơ sở sản xuất và buôn bán thùng, gầu múc nước làm bằng tôn. Hành nghề suốt 18 năm, sau đó ông chuyển qua nghề may mặc quần áo từ năm 2008 và hoạt động hiệu quả cho đến nay.

Theo ông Phước, hiện cơ sở may mặc của gia đình ông đang góp phần tạo công ăn việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu/tháng.

Điều đặc biệt, ông Phước ưu tiên là lao động con em những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, hoặc lao động nghèo thì ông sẽ tạo điều kiện dạy nghề miễn phí, rồi làm việc tại xưởng của gia đình.

Thương binh mở xưởng may, dạy nghề miễn phí cho lao động nghèo - 3
Cơ sở may mặc quần áo của thương binh Nguyễn Thúc Phước giúp nhiều lao động nông thôn có thu nhập ổn định.

Anh Ngô Minh Hải (35 tuổi, ở huyện Phù Mỹ) - thợ cắt may làm việc tại cơ sở may của gia đình ông Phước, chia sẻ: “Nhiều năm làm việc ở đây tôi cảm nhận chú Phước là người sống rất tình cảm, thương anh chị em làm công, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn chú đều tạo điều kiện giúp đỡ".

Được biết, người làm ở đây là người nông dân, tranh thủ xong mùa vụ, nếu cần việc thì chú Phước tạo điều kiện nhận hàng về nhà may.

Nếu không bị ảnh hưởng Covid-19 vừa qua, người nào chuyên về may thì thu nhập hàng tháng trên 6 triệu đồng. Còn tranh thủ khi xong mùa rồi nhận hàng về làm thì cũng kiếm trên 3 triệu đồng, ở quê thu nhập vậy là tạm ổn.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cát Tân, nhận xét ngắn gọn: “Thương binh Nguyễn Thúc Phước là tấm gương sáng trong làm kinh tế vươn lên thoát nghèo bằng nghị lực, bằng ý chí của một người lính cụ Hồ. Không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động nghèo ở địa phương. Đặc biệt, hàng năm ông Phước còn tích cực tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp những hoàn cảnh khó khăn tại địa phương”.