1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kiên Giang:

Biến tôm đồng cá ruộng thành đặc sản, mỗi năm thu hàng trăm triệu

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Thấy tôm, cá tồn đọng mỗi khi bị dội chợ, chị Thoa đầu tư máy móc, chế biến thành tôm khô, cá khô sạch để bán. Mỗi năm chị Thoa xuất bán hàng chục tấn, thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Đặc sản bình dân

Người phụ nữ "biến" tôm, cá tự nhiên ngoài ruộng thành đặc sản vùng Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang là chị Lê Thị Kim Thoa (38 tuổi) - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát. Theo chị Thoa, trước khi thành lập HTX, gia đình chị làm nông nghiệp, nuôi tôm, cá… như bao gia đình ở xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận.

Dù tôm, cá đầy đồng nhưng kinh tế gia đình chị và nhiều hộ dân khác vẫn chỉ ở mức đủ ăn. Nguyên nhân, bà con chỉ biết nuôi, bán tôm, cá tươi cho thương lái. Năm nào trúng mùa được giá, bà con có lời, nhưng năm nào gặp cảnh dội chợ, giá giảm mạnh, bà con rơi vào cảnh thua lỗ.

Biến tôm đồng cá ruộng thành đặc sản, mỗi năm thu hàng trăm triệu - 1

Chị Lê Thị Kim Thoa và các sản phẩm chế biến được (Ảnh: Nguyễn Hành).

Để giúp người dân nuôi tôm, cá có đầu ra ổn định, chị Thoa bắt tay làm thử các món tôm khô, cá khô... Ban đầu chị làm chỉ vài chục ký, mang giới thiệu, bán ở chợ huyện rồi lên chợ tỉnh. Sau đó, khách hàng ưa chuộng, đặt mua số lượng lớn, chị Thoa quyết định thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp để "làm ăn lớn".

Khi HTX ra đời (năm 2019), có vốn, có người, chị Thoa mạnh dạn mở rộng thị trường ra các tỉnh ĐBSCL, TPHCM, Hà Nội… nâng số lượng tôm khô chế biến lên 8 tấn mỗi năm.

Sau khi thành công với sản phẩm tôm khô, chị Thoa cùng các xã viên thu mua cá lóc nuôi tự nhiên trong ruộng lúa. Cá lóc con nhỏ chị làm khô, cá lóc con lớn thì làm mắm.

Ngoài ra, các xã viên còn sang các khu vực lân cận để mua cá kèo nguyên liệu về chế biến khô, đồng thời làm thêm sản phẩm mà người dân miền Tây rất mê đó là mắm tôm chua.

Hiện nay, bình quân mỗi năm HTX dịch vụ nông nghiệp của chị chế biến và cung ứng ra thị trường hơn 8 tấn tôm khô Vĩnh Thuận với giá dao động khoảng 580.000-700.000 đồng/kg; hơn 1 tấn khô cá lóc giá khoảng 250.000 đồng/kg; hơn 1 tấn khô cá kèo giá khoảng 300.000 đồng/kg; gần 1 tấn mắm tôm chua giá 180.000 đồng/kg và 1 tấn mắm cá lóc giá 200.000 đồng/kg. Tổng lợi nhuận hàng tháng hơn 35 triệu đồng.

Phát triển sản phẩm thành đặc sản địa phương

Chị Thoa chia sẻ: "Phải trải qua nhiều thời gian kiên trì cùng các thành viên HTX, nỗ lực học hỏi không ngừng; vừa chế biến, vừa rút kinh nghiệm và lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng… các sản phẩm khô, mắm của chúng tôi mới từng bước được sự tín nhiệm của khách hàng. HTX rất mừng".

Song song đó, HTX được các ngành chức năng ở tỉnh Kiên Giang và huyện Vĩnh Thuận tạo điều kiện cho tham dự nhiều hội chợ, giới thiệu sản phẩm, giao lưu xa gần… Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX được mở rộng từ địa phương sang nhiều tỉnh thành khác nhau.

Biến tôm đồng cá ruộng thành đặc sản, mỗi năm thu hàng trăm triệu - 2

Mắm cá lóc của HTX Hiểu Phát đang được nhiều người ưa chuộng

Năm 2021, cả 5 sản phẩm từ HTX  dịch vụ nông nghiệp của chị Thoa được ngành chức năng công nhận đạt OCOP 3 sao. Năm 2022 này, HTX phấn đấu đưa sản phẩm tôm khô Vĩnh Thuận lên OCOP 4 sao. 

Lãnh đạo huyện Vĩnh Thuận cho rằng, các sản phẩm của HTX không chỉ quảng bá thương hiệu của vùng quê Vĩnh Thuận mà còn góp phần đáng kể trong việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu cho nông dân; ngoài ra giải quyết nhiều công ăn việc làm cho người dân nông dân.

Ông Nguyễn Văn Thoàn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận chia sẻ:  "Huyện chúng tôi đã và đang khuyến khích, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình HTX, phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP chất lượng. Quy tụ bà con vào con đường làm ăn hợp tác, mà ở đó HTX đóng vai trò nòng cốt, được xem là hướng đi bền vững…".