ĐBSCL:

Thu hàng chục triệu mỗi ha, phát triển nuôi tôm - lúa thành đặc sản ĐBSCL

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngày 5/10, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức "Diễn đàn tôm Việt Nam" năm 2020, tập trung đánh giá mô hình nuôi tôm - lúa kết hợp.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong giai đoạn 2015 - 2020, do tác động biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội địa đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại vùng ĐBSCL. Trong đó, tác động không nhỏ đến nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, lúa,...

Trước tình hình trên, mô hình nuôi tôm - lúa kết hợp được cho là thích ứng với thời tiết cực đoan (chủ yếu ở vùng nhiễm mặn) đã phát triển khá mạnh, hiệu quả. Đây là một trong những định hướng ưu tiên cho nghề nuôi tôm bền vững ở vùng ĐBSCL.

Thu hàng chục triệu mỗi ha, phát triển nuôi tôm - lúa thành đặc sản ĐBSCL - 1

Thu hoạch tôm nuôi trên ruộng lúa kết hợp.

Nếu như từ năm 2000 diện tích nuôi tôm - lúa ở ĐBSCL chỉ khoảng 71.000 ha, thì đến năm 2015 đã có trên 176.648 ha. Dự kiến năm 2020 diện tích sẽ đạt khoảng 211.932 ha, với sản lượng ước hơn 84.740 tấn. Trong đó, nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang, tiếp đến là Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng,...

Đối tượng nuôi là tôm sú, có một số mô hình nuôi tôm càng xanh xen canh với vụ lúa; năng suất nuôi tôm - lúa bình quân khoảng 300 - 500 kg/ha và 4 - 7 tấn lúa/ha; chi phí sản xuất trung bình 30 - 35 triệu đồng/ha; lợi nhuận từ 35 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Theo Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), năm 2019 tôm Việt Nam xuất khẩu đạt khoảng 3,36 tỷ USD, qua 102 thị trường. Trong đó, 10 thị trường chính là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, Asean và Thụy Sĩ chiếm hơn 96% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam.

Đối tượng tôm sú được ưa chuộng trên thị trường thế giới, ít cạnh tranh hơn vì không có nhiều nước cung cấp cho thị trường quốc tế. Con tôm sú nuôi phù hợp với quảng canh, hoặc tôm kết hợp rừng ngập mặn, tôm luân canh ruộng lúa, đầu tư ít hơn... nên đây là lợi thế của Việt Nam.

Trong khi đó, tôm chân trắng có mức độ cạnh tranh cao hơn vì nhiều nước nuôi, đều lấy đối tượng này là chủ lực để tăng sản lượng và tăng khối lượng xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thủy sản, quan điểm của ngành là phát triển nuôi tôm - lúa thành ngành hàng đặc trưng, đặc sản ở ĐBSCL.

Theo đó, định hướng đến năm 2025 diện tích nuôi tôm - lúa khoảng 230.000 ha, sản lượng từ 100.000 - 120.000 tấn/năm (hơn 500kg/ha/năm). Đến năm 2030, tăng lên 250.000 ha, sản lượng ước đạt từ 125.000 - 150.000 tấn/năm.

Trong đó, xây dựng vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...); nâng cao chất lượng sản phẩm với việc thực hiện quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP; tuyên truyền thực hiện không sử dụng các hóa chất kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, chống bơm chích tạp chất; phát triển thị trường tiêu thụ tôm nuôi trên thị trường nội địa và quốc tế;...

Thu hàng chục triệu mỗi ha, phát triển nuôi tôm - lúa thành đặc sản ĐBSCL - 2

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhấn mạnh, mô hình tôm - lúa có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu rất cao.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, trong mô hình tôm - lúa, thời gian trước người dân chưa quan tâm nhiều đến cây lúa, nhưng hiện nay có những giống lúa chất lượng cao, do vậy phát triển cả lúa và tôm trong hệ canh tác giúp cho người dân tăng lợi nhuận.

“Kịch bản biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt hơn. Mô hình tôm - lúa có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu rất cao. Vì thế, trong điều kiện nguồn lực của nhà nước có hạn thì giải pháp thích ứng với thời tiết cực đoan đang được ủng hộ.

Với diện tích tôm - lúa hiện có của vùng ĐBSCL, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để làm nên thương hiệu. Khi đã có thương hiệu và sản lượng đủ lớn thì chúng ta có thể làm chủ được thị trường”, Chủ tịch Bạc Liêu nhận định.