Biến thứ vứt bỏ ngoài bờ biển thành tác phẩm vạn người mê
(Dân trí) - Từ những cành dừa cạn bị vứt đi, anh Lê Thanh Hà (trú tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đã chế tạo thành giấy để làm tranh nghệ thuật.
Biến thứ bỏ đi thành giấy
Trưa hè nắng gắt, đi qua hàng dừa, chúng tôi đến ngôi nhà trên đường Nguyễn Đăng Tuyển (quận Sơn Trà) để chiêm ngưỡng những tác phẩm tranh giấy dừa của anh Lê Thanh Hà (45 tuổi, quê Nghệ An).
Chúng tôi đến đúng lúc anh Hà đang chuẩn bị nguyên liệu sản xuất giấy. Khi biết có người muốn tìm hiểu về nghề, anh Hà say sưa kể: Sau nhiều năm tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Huế, anh đi làm việc nhiều nơi trước khi đến Đà Nẵng từ 2017.
Nhiều lần đi trên tuyến đường từ TP Hội An đến Đà Nẵng, anh Hà nhìn thấy những cành dừa trồng ven bờ biển bị chặt bỏ. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng tận dụng những cành dừa cạn để làm ra một loại giấy.
Khi nấu thử thì xơ dừa cạn, anh thấy giấy thành phẩm có màu trắng tự nhiên, không cần đến loại hóa chất nào. Anh quyết định phát triển một loại giấy riêng của mình mang tên Giấy quê tôi - Giấy dừa Đà Nẵng.
Chưa dừng lại ở đó, anh Hà còn lặn lội đến xã Pà Cò, huyện Mai Châu (Hòa Bình) để học phương thức làm giấy truyền thống của người H'Mông. Anh còn tìm hiểu về kỹ thuật in hoa văn Rakusui Washi bằng áp lực nước của Nhật Bản.
Hình ảnh được anh sử dụng in trên giấy là những hình ảnh mang đặc thù riêng mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Đà Nẵng như voọc chà vá chân nâu, hoa đào chuông. Ngoài ra, anh còn làm tranh giấy dừa với chủ đề về những danh nhân, thiền, tâm linh.
"Ai cũng có thể làm được giấy dừa. Tùy năng khiếu, sự khéo léo của mỗi người sẽ tạo nên sản phẩm, dẫu cùng vẽ một hình ảnh, một họa tiết vẫn có cái hồn riêng biệt", anh Hà khẳng định.
Tạo hồn cốt cho từng mảnh giấy dừa
Anh Hà cho hay, giấy dừa Đà Nẵng cũng như tất cả những loại giấy khác đều có cùng chung một quy trình sản xuất.
Giai đoạn đầu là làm bột, cành dừa sẽ được xử lý thành từng đoạn nhỏ, lớp vỏ màu xanh bọc bên ngoài cành dừa cùng lá dừa được dùng để làm chất đốt.
Tiếp đó, mang những đoạn nhỏ cành dừa sau khi chặt đem đi nấu với vôi trong 24 giờ đồng hồ rồi bỏ vào máy nghiền thành bột.
Trong thời gian chờ ngâm bột, anh Hà sẽ tự tay mình vẽ nên những hoa văn, họa tiết trong bức tranh. Sau đó, in decal và cắt lại để tạo nên một khuôn tranh hoàn chỉnh. Công đoạn này thường mất từ 3 đến 5 ngày, tùy vào độ khó của tranh.
Khi có khuôn tranh, anh cho bột lên khung lụa và dùng áp lực nước để in hoa văn. Kỹ thuật in này đòi hỏi sự khéo léo của người nghệ nhân để điều chỉnh mức độ nặng nhẹ của áp lực nước nhằm tạo ra được những lớp dày mỏng theo ý muốn trên bề mặt giấy.
"Đây là công đoạn quyết định bức tranh đẹp hay xấu, tùy thuộc các lớp và độ dày của xơ đủ cho ánh sáng xuyên qua", anh Hà nhấn mạnh.
Công đoạn cuối là bóc giấy khỏi khung lụa, phơi nắng, đóng khung và xuyên sáng. Điều đặc biệt là tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, không dùng đến hóa chất, kể cả những hóa chất được phép sử dụng, để giữ nguyên vẹn màu sắc, tạo nên đặc trưng của giấy dừa.
Anh Hà còn tâm niệm, ngoài chất liệu đặc biệt, giấy phải có hệ thống hoa văn đặc trưng, để người xem tranh cảm nhận hồn cốt của mỗi địa phương. Bằng sự tinh tế và vốn văn hóa đa dạng, anh đã tạo sự khác biệt ở hoa văn cho giấy mỗi vùng.
"Tôi ấp ủ ước mơ mở ở mỗi tỉnh, thành một xưởng giấy, chọn những hình ảnh đặc trưng văn hóa của mỗi vùng để tạo hoa văn, làm sao khi nhìn hoa văn là biết ngay giấy sản xuất ở vùng nào", anh Hà bộc bạch.