Bị chủ nhà trọ "làm khó", nhiều lao động có nguy cơ mất tiền hỗ trợ

Xuân Hinh

(Dân trí) - Nhiều chủ nhà trọ ở TPHCM không ký xác nhận và cung cấp thông tin cá nhân để công nhân, người lao động hoàn tất hồ sơ xin hỗ trợ tiền thuê nhà.

Cố ý làm khó lao động nghèo?

Ngày 28/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, 2 nhóm đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp sẽ nhận được 500.000 đồng/người/tháng; người lao động quay trở lại thị trường lao động được nhận 1.000.000 đồng/người/tháng.

Bị chủ nhà trọ làm khó, nhiều lao động có nguy cơ mất tiền hỗ trợ - 1

Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của Chính phủ được người lao động mong chờ từng ngày để giảm bớt khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Theo các chuyên gia và người lao động, đây là chính sách chưa có tiền lệ của Chính phủ nhằm kích cầu thị trường lao động, khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Việc triển khai chính sách trên được Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan chức năng... liên tục đốc thúc nhằm sớm đưa tiền hỗ trợ đến tay người lao động.

Tuy vậy, một số người lao động vẫn gặp khó khi hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ. 

Anh Nguyễn Văn Huệ, làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Tân, TPHCM) đang "mất ăn mất ngủ" vì cả tuần nay vẫn chưa thể hoàn thiện hồ sơ. Nguyên nhân, do chủ nhà trọ nơi anh Huệ ở thuê không chịu cung cấp số căn cước công dân. 

"Trong tờ phiếu xác nhận có một chi tiết ghi số căn cước công dân của chủ nhà trọ. Khi tôi mang giấy xin chủ nhà xác nhận, chú đồng ý ký giấy nhưng không tiết lộ số căn cước công dân vì cho rằng đó là quyền riêng tư", anh Huệ buồn bã nói.

Với trường hợp của chị Võ Thị Thu Thùy làm việc tại Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (quận Tân Phú, TP HCM), câu chuyện còn phức tạp hơn. Ngay sau khi nhận được tờ phiếu từ công ty, chị đã tìm chủ nhà trọ để xin thông tin và xác nhận. Tuy nhiên, dù đã nhiều lần tìm chủ nhà nhưng không nhận được chữ ký xác nhận.

"Cô chủ nhà nói rằng, việc cung cấp thông tin cá nhân và chữ ký là do chồng của cô ấy quyết định, cô ấy không biết. Tôi đã nhiều lần tìm chủ nhà nhưng không gặp chú chủ nhà. Có thể tôi sẽ bỏ, không nhận hỗ trợ nữa", chị Thùy chia sẻ.

Bị chủ nhà trọ làm khó, nhiều lao động có nguy cơ mất tiền hỗ trợ - 2

Tiền hỗ trợ sẽ giúp người lao động dư giả một chút kinh phí chăm lo cho gia đình.

Chị Thùy đang ở trọ tại quận Tân Bình, mỗi tháng đóng hơn 2 triệu tiền trọ và điện nước. Nếu được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng sẽ giúp chị giảm chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, chủ nhà không xác nhận nên chị ngậm ngùi nhìn tiền hỗ trợ "rời xa tầm tay".

Tương tự, chị Phạm Thị Mén làm việc tại Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công nói: "Khi tôi mang giấy đến nhờ chủ nhà ký xác nhận, anh từ chối vì không muốn để lộ thông tin cá nhân. Anh bảo gia đình tôi đồng ý thì thuê không thì thôi. Hiện tại, tôi đã báo cáo lên công ty để tìm hướng giải quyết". 

Chị Mén cùng chồng lên TPHCM sinh sống, kiếm tiền gửi về quê Bến Tre để nhờ ông bà ngoại nuôi cậu con trai 8 tuổi. Nếu được nhận tiền hỗ trợ, con chị sẽ được mua cặp sách mới, ba mẹ già sẽ có thêm chút tiền khi ốm đau. 

Mong chính quyền vào gỡ rối

Theo ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam - công ty đã phát giấy xác nhận theo mẫu để người lao động xin thông tin và xác nhận của chủ nhà trọ. Tuy nhiên, có nhiều công nhân để trống phần số căn cước công dân của chủ nhà trọ vì người cho thuê chỗ ở không muốn để lộ thông tin cá nhân. Một số công nhân cũng gặp khó khi xin xác nhận khi chủ nhà trọ không sinh sống tại TPHCM.

Bị chủ nhà trọ làm khó, nhiều lao động có nguy cơ mất tiền hỗ trợ - 3

Nhiều người lao động đứng trước nguy cơ "bỏ" tiền hỗ trợ.

"Công ty đang phát, thu hồ sơ của người lao động. Nhưng vì nhiều người thiếu phần thông tin của chủ nhà trọ nên tờ phiếu không hợp lệ. Chúng tôi chưa biết giải quyết thế nào. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước sắp tới ra hướng dẫn thực hiện cần triển khai tới cấp chính quyền phường xã để công an khu vực tác động chủ nhà trọ hợp tác, hỗ trợ", ông Hồng kiến nghị.

Bị chủ nhà trọ làm khó, nhiều lao động có nguy cơ mất tiền hỗ trợ - 4

Mẫu đơn xin đề nghị hỗ trợ có phần ghi thông tin chủ cơ sở thuê trọ đang gây một số khó khăn cho người lao động.

Bà Trần Thanh Châu, Chủ tịch Công đoàn CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công chia sẻ rằng, công ty đang chốt danh sách người lao động được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà. Trong quá trình làm thủ tục có một số trường hợp chủ nhà trọ không đồng ý cung cấp thông tin và xác nhận cho công nhân.

"Công ty đang tập hợp để xác định bao nhiêu trường hợp công nhân bị vướng mắc, với những nội dung gì. Công đoàn và doanh nghiệp sẽ hội ý để tìm giải pháp", bà Châu cho biết.

Trao đổi với PV Dân trí, một số chủ nhà trọ ở quận Gò Vấp cho rằng, việc một số chủ nhà trọ không cung cấp thông tin cá nhân là đang cố tình "làm khó" người lao động. Chính phủ triển khai gói hỗ trợ tiền nhà trọ cho người lao động là chính sách nhân văn, do đó việc ký xác nhận là trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ nhà trọ, giúp công nhân sớm ổn định cuộc sống. 

Dương Thùy