1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bảo lưu và cộng dồn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chị Trương Thị Thanh Phương, công nhân Khu công nghiệp Hoà Khánh, Đà Nẵng hỏi: “Em đang thai sản, nhưng sau khi nghỉ sinh thì công ty chấm dứt hợp đồng lao động. Em đã đóng 11 tháng BHXH thì có được hưởng BHTN hay không?”.

Bộ luật Lao động (BLLĐ) dành hẳn chương 10, từ Điều 153 đến Điều 160 để quy định về quyền cho lao động nữ (LĐN). Trong trường hợp chị Phương hỏi, căn cứ khoản 3, Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ: “Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Ngoài ra, trong điều này cũng quy định người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được sử dụng LĐN làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Bên cạnh đó, Điều 158 còn quy định phải “Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản”.

Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định của BLLĐ. Trong trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Trong trường hợp đã đóng BHXH 11 tháng như nói trên, thì căn cứ theo khoản 2, Điều 50 Luật Việc làm 2013 quy định về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 50 - mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng“.

Theo cách tính trên, nếu NLĐ tham gia bảo hiểm từ đủ 1 - 3 năm thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó cứ 1 năm thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp. Nếu đóng trợ cấp thất nghiệp trên 3 năm, nhưng thời gian đóng từ năm thứ 4 mà không đủ 1 năm thì được bảo lưu lại theo quy định tại khoản 7, Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐCP.

Như vậy trong trường hợp đóng BHTN chỉ mới 11 tháng, NLĐ chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng cơ quan BHXH sẽ bảo lưu thời gian đóng BHTN của người lao động và cộng dồn vào cho thời gian sau này nếu NLĐ tiếp tục đóng.

Theo Báo Lao động