Báo động vi phạm quyền lợi lao động ngành xây dựng
Không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), công việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến tính mạng..., những lao động đang làm việc trong ngành xây dựng tại TP.HCM đang bị xâm phạm quyền lợi nghiêm trọng!
“Bảo hiểm xã hội là gì?”
Tháng 3 vừa rồi, đang làm việc, anh Nhan Hoàng Long (làm việc tại công trình xây dựng chung cư gần cầu Tham Lương, quận Tân Bình, TP.HCM) bị trật chân, té xuống giàn từ độ cao 5m. May mắn là anh té vào đống cát phía dưới nên “đầu không sao, chỉ có chân va vào chân giàn nên bị trật khớp”. Từ lúc gặp tai nạn, anh nằm ở lán, mọi chi tiêu của gia đình 4 người đều trông vào đồng lương thợ phụ của vợ. “Vợ chồng tôi từ Sóc Trăng lên đây mần hồ, mỗi ngày cả hai vợ chồng được hơn 500 ngàn đồng! Tất cả chỉ có thế, không gì hơn, ốm đau phải tự chịu”, anh nói.
“Bình thường mỗi ngày, tôi là thợ chính được 300 ngàn đồng, vợ thợ phụ được 250 ngàn đồng, lãnh lương theo tuần, đủ ăn. Cả gia đình đưa nhau lên đây, đứa lớn trông đứa bé, trưa vợ tranh thủ chạy về lán nấu cơm. Mấy hôm nay, tôi đụng chuyện, nằm ở lán, chi tiêu gia đình eo hẹp đi, tiền ăn, thuốc men các kiểu”, anh Long thở dài. Để kiếm thêm thu nhập, anh lò cò cùng hai đứa con nhặt nhạnh ve chai, mỗi ngày kiếm thêm được gần 10 ngàn đồng!
Khi hỏi chi phí điều trị cái chân bị bong gân ai chi trả, anh Long bảo: “Do vợ tôi chi trả, tôi làm gì có tiền”. Anh Long càng tỏ ra ngơ ngác hơn khi được hỏi về HĐLĐ, các khoản BHXH. “Tất cả các thợ hồ ở đây đều làm theo công nhật, trả lương theo tuần. “BHXH là gì? HĐLĐ là gì? Thợ xây chúng tôi không biết. Tai nạn ốm đau thì tự chịu, may mắn lắm thì được cai thăm hỏi vài trăm ngàn, khỏe thì đi làm lại, không khỏe thì ở nhà đuổi gà, lượm ve chai”, anh Long thật thà.
Không được ký HĐLĐ, không được đóng BHXH, những lao động trong ngành thợ xây thường xuyên đối mặt với nguy cơ bị nợ lương, quỵt lương, lương bị cắt giảm vì cai thầu đột ngột biến mất, không dấu vết! “Mỗi công trình đều có thầu chính, thầu phụ, thầu con, họ nhận lại các hạng mục rồi thuê lại các đội thi công. Các đội thi công thuê chúng tôi xây dựng. Năm bữa, nửa tháng, đội trưởng về thông báo chủ đầu tư chậm chuyển tiền nên ông thầu chính chưa có tiền, đội thi công chưa có tiền, công nhân ráng chờ”, anh Tuấn Chín, quê Vĩnh Long, lên TP.HCM làm thợ xây gần 5 năm, nói.
Tính mạng gặp nhiều rủi ro
Không được đóng BHXH, không được ký HĐLĐ, làm việc trong điều kiện không bảo đảm an toàn, lao động ngành xây dựng luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập tính mạng. Nhiều công nhân khi bị tai nạn lao động, thậm chí tử vong, nhà thầu sẽ thỏa thuận tự bồi thường cho người bị nạn, người lao động và gia đình không am hiểu về pháp luật nên chấp nhận mà không biết mình đang chịu thiệt thòi.
Như anh Long, để cái nhân lành hẳn, có thể làm việc trở lại, anh mất gần 1 tháng nằm nhà. Chi phí điều trị do vợ anh lo, tiền lương mỗi ngày được 250 ngàn phải chia đôi, chia ba, mấy đứa con thiếu ăn, nheo nhóc. “Ông đội trưởng có gọi điện hỏi thăm, bảo là cố gắng điều trị, khỏe thì ổng dành cho một chỗ, ưu tiên làm dưới thấp, không phải lên cao”, anh Long nói.
Theo thông tin từ thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM: Từ tháng 4-10.2016, cơ quan này sẽ thực hiện 100 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng cao tầng; thực hiện 100 cuộc kiểm tra việc tuân thủ quy định an toàn lao động trong sử dụng cần trục tháp. Trong khi đó, 24 quận, huyện đồng loạt tổng kiểm tra an toàn lao động tại các công trình xây dựng nhà ở của người dân do quận, huyện cấp phép. 12 nội dung trọng điểm được tập trung: Thời giờ làm việc; tiền lương; huấn luyện an toàn vệ sinh lao động; tổ chức mặt bằng; sử dụng điện và các thiết bị điện; công tác cốp pha, cốt thép và bêtông; phương tiện bảo vệ cá nhân; sử dụng xe, máy thi công xây dựng; sử dụng giàn giáo, giá đỡ; hàn; xây dựng nội quy và biện pháp làm việc bảo đảm an toàn; công tác hoàn thiện.
“Chúng tôi xem xét để phát hiện sai sót, khuyến nghị biện pháp khắc phục; nếu có lỗi thì sẽ xử lý nghiêm; tập trung thanh tra, kiểm tra ở các công trường xây dựng, sau đó mới tới các doanh nghiệp xây dựng. Xây dựng ở đâu, thanh tra ở đó. Một doanh nghiệp có thể có rất nhiều công trường, ở nhiều địa điểm khác nhau, nên cũng có thể bị xử phạt nhiều lần”, ông Huỳnh Tấn Dũng - Chánh thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM - nói.
Theo Báo Lao động