Bài toán nào để Việt Nam thoát "bẫy lao động giá rẻ"?
(Dân trí) - Chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất lao động là vấn đề sống còn với các quốc gia, không ngoại trừ Việt Nam.
Thời đại 4.0 cũng đặt ra những thách thức, nguy cơ không chỉ ảnh hưởng đến năng lực kinh tế của doanh nghiệp, địa phương mà xáo trộn đời sống kinh tế xã hội, gây nên hệ lụy lớn. Ngành Lao động đã có chiến lược, đề xuất và được Trung ương phê duyệt tập trung vào việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, tạo bước tiến nổi bật về năng suất lao động…
Bài toán lao động chuyển dịch cần lời giải
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, vấn đề thâm dụng lao động của nền kinh tế Việt Nam đã được cảnh báo nhiều năm và những biến động lao động, hệ quả phát sinh của nó xảy ra trong bối cảnh hiện nay là hệ quả tất yếu.
Bà Phạm Chi Lan chia sẻ, từ thời bà là thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, vấn đề thâm dụng lao động đã được chỉ ra và nêu rõ. Trong thời gian qua, dù đã có nhiều thay đổi tích cực song Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ rơi vào "bẫy lao động giá rẻ". Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt, theo nữ chuyên gia, phải khắc phục hệ quả của nền sản xuất thâm dụng lao động và chuyển hướng mau lẹ.
Bà Lan cho rằng, những biểu hiện "lâm sàng" của tình trạng thâm dụng lao động là các khu công nghiệp lớn phía Nam luôn trong tình trạng đói lao động những dịp lễ, tết do công nhân trở về quê không quay lại hoặc trở lại chậm so với yêu cầu. Đến khi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và hàng loạt địa phương đầu tàu kinh tế phía Nam bị tác động nặng của đại dịch, người lao động lũ lượt về quê... thì càng thấy rõ nguy cơ biến động nguy hại thế nào đối với nền kinh tế.
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đại dịch diễn biến phức tạp tại TPHCM và các tỉnh phía Nam khiến hơn 1,3 triệu người rời các thành phố, trung tâm công nghiệp về quê tránh dịch, trong đó phần lớn là lao động nhập cư không có chỗ ở và việc làm ổn định. Chưa bao giờ vấn đề giải quyết nơi ăn, chốn ở cho lao động nhập cư, một phần không thể thiếu của TPHCM, các tỉnh Đông Nam bộ trở nên cấp bách như thời gian qua.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, việc hơn 1,3 triệu lao động di chuyển về các địa phương là giải pháp tình thế, và họ có xu hướng tìm việc, tự tạo việc làm tạm thời, các công việc này chủ yếu ở khu vực phi chính thức và có tính chất ít ổn định hơn. "Nhìn chung, người lao động trong khu vực FDI, khu công nghiệp, khu chế xuất cơ bản ít di chuyển hơn, do các doanh nghiệp có chính sách giữ chân người lao động, giữ liên lạc, giữ quan hệ và hỗ trợ một phần với những lao động tạm ngừng việc, để giữ chân lao động", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh đặc biệt đến giải pháp "giữ chân người lao động". Ông đề nghị cần nỗ lực phòng chống, dịch, bảo đảm an toàn, bảo đảm duy trì việc làm với chính sách "tại chỗ" và di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc, cùng các hình thức khác phù hợp với từng doanh nghiệp để duy trì việc làm.
"Tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng các giải pháp, các chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là các gói hỗ trợ an sinh xã hội khẩn cấp với nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao động. Các ngành, cơ quan, tổ chức cần có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí như: giảm giá điện, nước, cước viễn thông, giá nhà trọ, hỗ trợ tiền phòng, tiền quay trở lại nơi làm việc…", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu.
Chia sẻ với báo Dân trí, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm UB Xã hội của Quốc hội khóa XIII, XIV cho rằng, để ổn định tình hình lao động, giải pháp trong ngắn hạn các địa phương cần kịp thời xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người nghèo, người dân trên địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng chống dịch. Trong dài hạn, cần nghiên cứu, đánh giá tổng thể tác động của đại dịch Covid-19 đến các nhóm đối tượng để làm cơ sở xây dựng các chính sách, kế hoạch đặc thù, thực hiện giải pháp sau đại dịch.
"Theo đề xuất của các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới", ông Lợi cho hay.
Thời robot hóa chuỗi sản xuất
Theo nhận định, xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghệ 4.0) đặt nhiều quốc gia, nền kinh tế vào thách thức phải giải quyết hài hòa: lao động, việc làm và tăng thặng dư, tăng lợi thế, quy mô doanh nghiệp.
Đối với Việt Nam, nền kinh tế đang đứng trước cạm bẫy của lao động giá rẻ, với những ngành xuất khẩu chủ lực vẫn hầu hết là gia công, trong đó có dệt may, da giày, điện tử... Thế giới đã, đang và sẽ chứng kiến xu thế máy móc hóa dây truyền sản xuất đơn giản, robot hóa thay thế con người và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp tăng lợi thế về quy mô cho doanh nghiệp, tăng lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia phát triển.
Một nhận định được đưa ra gần đây đã tạo cuộc tranh luận sôi nổi, trong 5-7 năm nữa robot sẽ khiến hàng triệu người trẻ Việt đang có công ăn việc làm đối mặt nguy cơ mất việc. Các ngành, lĩnh vực có thể mất việc nhanh hơn là công nhân lắp ráp điện tử, may mặc, chế biến...
Đồng tình về vấn đề này, chuyên gia Phạm Chi Lan thừa nhận, xu hướng máy móc thay thế con người không chỉ diễn ra ở các ngành, lĩnh vực giản đơn mà còn diễn ra ở những lĩnh vực mà nội dung số đóng vai trò quan trọng như tài chính ngân hàng, điện, viễn thông, dịch vụ kế toán, thuế hay tư vấn luật.
Theo các nhà chuyên môn, nền kinh tế thâm dụng lao động là thời kỳ quá độ của mỗi quốc gia, mỗi quốc gia trải quá thời kỳ đang phát triển sang phát triển cũng đều phải trải qua, nhưng cách đi tốt nhất là trải qua thời kỳ quá độ ngắn nhất. Cần phải đổi mới mô hình giá trị để đổi mới chuỗi lao động, thoát khỏi bẫy trung bình.
GS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, khái niệm thoát bẫy thu nhập trung bình tưởng là lý thuyết cao xa nhưng bản chất vấn đề lại bắt đầu từ hành động cụ thể, từ lao động, việc làm, đào tạo nghề.
Theo các chuyên gia kinh tế, giải quyết được việc làm, tạo sinh kế ngay tại địa phương là giải pháp căn cơ, bền vững để chống chuyển dịch dân số cơ học, ly hương, phình to của các đô thị, siêu đô thị.
Người lao động 4.0
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh, nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch cao hàng chục tỷ USD nhưng thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử. Trong chuỗi giá trị xuất khẩu ấy, Việt Nam phụ thuộc nguồn linh phụ kiện, nguyên liệu nhập khẩu, đầu ra cũng không chủ động được do phần lớn là gia công cho các thương hiệu quốc tế.
"Chúng ta có thể giải quyết được vấn đề việc làm, lao động nhưng lại đối diện với bẫy lao động giá rẻ do tham gia vào khâu có giá trị thấp nhất chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu", chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích.
"Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có nghị quyết về thu hút FDI chọn lọc, chất lượng cao. Tuy nhiên, ở bên dưới, các địa phương vẫn nặng nề thành tích, chạy đua theo tăng trưởng, thu ngân sách. Chính vì thế, thu hút càng nhiều dự án để tăng RGDP càng nhiều, càng tốt, điều này khiến chính sách hạn chế dự án thâm dụng lao động, ô nhiễm môi trường vẫn chưa thực sự hiệu quả".
Chuyên gia Phạm Chi Lan nói rằng: Chuyển đổi mô hình lao động cần gắn chặt với chuyển đổi mô hình kinh tế. Phải có tư duy kinh tế 4.0, vượt qua tầm nhìn ngắn hạn, tư tưởng nhiệm kỳ mới có được chính sách 4.0, giáo dục 4.0 và con người, lao động 4.0.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng khái quát, qua đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4 có thể thấy, trong thời gian tới, 30% công việc yêu cầu phải cải thiện, nâng cao kỹ năng lao động. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 40-45% lao động có chứng chỉ, bằng cấp đào tạo. Ngành lao động cũng đã có chiến lược, đề xuất và được Trung ương phê duyệt, tập trung vào việc đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, tạo bước tiến nổi bật về năng suất lao động.