"Bà hoàng bánh tráng" nuôi cả gia đình, mê việc quên... lấy chồng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hơn 30 năm mưu sinh tại TPHCM, cô Điệp - người được mệnh danh "bà hoàng bánh tráng" ở hồ Con Rùa vẫn lủi thủi đi về phòng trọ mỗi khi màn đêm buông xuống.

Chán làm công ty, đi bán bánh tráng  

Bà hoàng bánh tráng nuôi cả gia đình, mê việc quên... lấy chồng - 1

Gần 20 năm bán bánh tráng ở hồ Con Rùa, công việc giúp cô Điệp tự nuôi được bản thân và gia đình.

Từ thủa đôi mươi, cô Trần Thị Điệp (quê Bà Rịa - Vũng Tàu) đã lên TPHCM mưu sinh nuôi gia đình. Làm công nhân hơn mười năm, lương chỉ đủ ăn, tích góp chẳng được bao nhiêu, cô Điệp nản lòng. Áp lực tiền bạc, cô Điệp bỏ làm công nhân, lang thang theo người chị họ đến hồ Con Rùa bán bánh tráng. Từ đây, cuộc đời cô dần thay đổi. 

"Mới đầu, tôi tính không đi theo chị ấy bán bánh tráng nhưng chị bảo cứ xuống phụ vì đang thiếu người. Nếu sau này thấy thích thì chị để lại chỗ ngồi và "truyền nghề" cho. Tôi đã quá chán cảnh làm công nhân sáng đi tối về còm cõi nên tặc lưỡi theo chị. Bán bánh lâu dần thì quen, đến khi chị ấy đi lấy chồng, tôi kế thừa gánh bánh tráng này", cô Điệp nhớ lại.

Thấm thoắt, cuộc đời cô gắn với nghề bán bánh tráng cũng được 20 năm. Lúc này, cô cũng đã kiếm đủ tiền nuôi bản thân và gia đình và tiết kiệm được một số tiền nhỏ đảm bảo cuộc sống về sau. Tuy vậy, vì quá mải mê làm ăn, cô thực sự đã quên việc cần một bờ vai nương tựa. 

"Tôi ế rồi. Ngày xưa, lúc đến tuổi lập gia đình thì cứ đi làm công nhân, suốt ngày ở xưởng, không quen ai. Đến khi nhận ra mình nên lập gia đình thì đã quá tuổi rồi nên đành ở vậy, cũng vui", cô Điệp nói.

Bà hoàng bánh tráng nuôi cả gia đình, mê việc quên... lấy chồng - 2

Gánh bánh tráng của cô Điệp luôn hút khách.

Hiện tại, cô Điệp đang sống ở Quận 12, TPHCM. Tại nơi cô trọ, mọi người đều là công nhân, lao động tự do nên dễ chia sẻ và cảm thông cho nhau. Khi được hỏi tại sao không chuyển phòng trọ hoặc nơi bán hàng để đi lại cho gần, "nữ hàng bánh tráng" bảo quen rồi. Ở những xóm trọ công nhân, nhiều người cũng "ế" nên người phụ nữ đã ở tuổi 50 cũng đỡ buồn. 

Mỗi ngày cô chạy gần 20 km từ Quận 12 lên hồ Con Rùa bán bánh tráng. Sự vui tính, hóm hỉnh cộng với món bánh tráng mang hương vị riêng của cô khiến gánh hàng lúc nào cũng đông khách. Dù ở đây có khá nhiều quầy nhưng khách hàng thân thuộc vẫn tìm đến cô. Cái danh "nữ hoàng bánh tráng trộn" hồ Con Rùa cũng chẳng biết được "phân phong" từ khi nào. 

Trụ được nhờ mọi người thương bà "ế"

Bà hoàng bánh tráng nuôi cả gia đình, mê việc quên... lấy chồng - 3

Vì mải mê bán bánh tráng, cô Điệp quên luôn việc lấy chồng.

Mỗi ngày, cô Điệp chuẩn bị hơn hai trăm quả trứng vịt và chục vỉ trứng cút lộn để bán cho khách. Mọi nguyên liệu đều được cô sử dụng trong ngày, không có đồ thừa của hôm trước.

Gánh bánh tráng của cô đông khách đến mức nhiều người trầm trồ, ngỏ lời giúp cô đưa gánh hàng nhỏ lên các kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, cô Điệp từ chối vì đã có một người phụ làm từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối vẫn không kịp cho khách, làm nhiều nữa sợ không xuể, chất lượng không đảm bảo, khách hàng sẽ không hài lòng. Trung bình mỗi tháng, cô Điệp lãi lời được hơn chục triệu đồng để trang trải cuộc sống.

 "Tôi làm bánh tráng với đa dạng giá cả, thấp nhất là 15.000 đồng. Hầu như mọi người đến ăn đều lấy suất từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng…  Khách hàng quen của tôi nhiều lắm, không thiếu những người đi ô tô xuống mua, ăn bánh. Chính nhờ họ mà tôi có thể bám trụ ở thành phố hơn 20 năm nay", cô Diệp bộc bạch.

Bà hoàng bánh tráng nuôi cả gia đình, mê việc quên... lấy chồng - 4

Nhiều khách hàng quen thường xuyên ủng hộ khiến cô Điệp trụ lại được nơi thành phố "gạo châu củi quế" này.

20 năm bán bánh tráng, biết bao nhiêu khó khăn người phụ nữ một thân một mình mưu sinh phải trải qua. Cực nhất là việc bán bánh tráng vào những ngày mưa, cô cùng một người thợ phụ phải tự căng miếng áo mưa rộng một mét vuông để trú chân. Những ngày đó, có khi ế hàng vì khách không ghé mua được.

Nhà xa, về muộn, nên ngày nào cũng vậy, cứ khoảng 2 giờ sáng cô Điệp mới bắt đầu đi ngủ. Sáng hôm sau phải dậy sớm để đi chợ, mua đồ, chế biến sơ để chiều mang bánh tráng đi bán.

"Ngày nào cũng phơi mặt giữa đường, cực lắm. Bù lại, tôi được gặp mọi người, được trò chuyện, chia sẻ cũng vui. Có nhiều khách hàng lâu năm, thành thân quen, thỉnh thoảng họ mua cho tôi ly nước, cái bánh", cô Điệp kể.

Đợt dịch bệnh vừa qua, gánh hàng bánh tráng của "bà hoàng" nơi góc hồ Con Rùa nghỉ liền 7 tháng. Cô hỉ hả kể, tháng 12/2021, khi bắt đầu mở bán lại, ai cũng hỏi thăm.

"Tôi sợ chết nên mọi người đi bán hết rồi tôi vẫn ở dưới quê để tránh dịch", cô Điệp cười hiền.

Gần như cả đời gắn liền với gánh hàng bánh tráng, cô Điệp cho biết, đó không chỉ là một nghề để kiếm sống mà còn là cái nghiệp, là cả cuộc đời cô. Không có nghề bán bánh tráng, chưa chắc cô đã trụ lại TPHCM đến giờ này và chăm lo tốt cho gia đình như hiện nay. 

Dương Thùy