1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật

Nguyễn Vy

(Dân trí) - 0h, ai đi ngang đường Lê Thánh Tôn cũng thấy hình ảnh bà Kim Cương nằm ngủ cạnh sạp bánh tráng trộn. Xung quanh bà, thực khách tự phục vụ, trả tiền rồi rời đi.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip ghi lại cảnh một người phụ nữ bán bánh tráng trộn ngủ gật bên cạnh gánh hàng của mình, để thực khách tự đến phục vụ, trả tiền rồi rời đi.

Đoạn clip đã thu hút hàng triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt tương tác. Nhiều người phì cười trước cảnh tượng này nhưng cũng có không ít người xót xa cho cụ bà vất vả mưu sinh.

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật - 1

Bà Cương ngủ gật bên hàng bánh tráng trộn của mình (Ảnh cắt từ clip: MXH).

Người phụ nữ trong đoạn clip là bà Kim Cương (63 tuổi, quê tại tỉnh Bình Định), chủ hàng bánh tráng trộn trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1, TPHCM).

4 năm qua, do mưu sinh về đêm ngoài đường phố, bà Cương đổ bệnh. Việc thiếu ngủ trong thời gian dài càng làm cho sức khỏe của bà yếu hơn. Vì thế, bà không gượng được mà ngủ gật nhiều lần trong lúc bán hàng.

Bà Cương bộc bạch, lúc đầu, bà thấy khá ngại ngùng nhưng không còn cách nào khác vì cơ thể không chịu nổi cảnh buồn ngủ. Có khi, vì ngủ quên nên bà bị người khác trộm mất rổ trứng.

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật - 2

Vì sức khỏe yếu, bà Cương không thể gượng được cơn buồn ngủ sau 23h (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Khách đến mua thấy tôi ngủ nhưng không nỡ gọi dậy, tự lấy nguyên liệu rồi trộn bánh tráng. Nhiều người là khách quen, biết giá của mỗi phần là 20.000-30.000 đồng nên cũng chủ động trả tiền vào rổ. Có người đi ngang thấy tôi ngủ thì lấy áo khoác đắp cho tôi, xúc động lắm", bà Cương nói.

Một số người trẻ thấy cảnh này vừa buồn cười, vừa tội nên đã ghi hình lại và đăng tải lên mạng xã hội. Kể từ đó, càng nhiều người biết đến và tìm tới bà Cương nhiều hơn. Không ít người còn mở video cảnh bà Cương ngủ gật cho bà xem, khiến bà cũng bật cười.

Người phụ nữ này chia sẻ hằng ngày, bà dậy từ sớm ra chợ mua nguyên liệu để kịp chuẩn bị 11h đi bán. Bà lân la khắp các nẻo đường ở thành phố, đến 20h lại ngồi cố định ở đường Lê Thánh Tôn tới 1h mới về nghỉ ngơi. Mỗi ngày, bà chỉ chợp mắt được vài tiếng nên cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi.

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật - 3

Hiểu hoàn cảnh của bà, nhiều người trẻ thường xuyên lui tới ủng hộ (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dù vậy, người phụ nữ này vẫn gắng gượng vì phải mưu sinh gửi tiền về cho gia đình ở quê. Bà Cương đã vào TPHCM lập nghiệp hơn 24 năm, để lại chồng và 4 người con ở quê chăm sóc nhà cửa.

Trước đó, một đoạn clip cũng ghi lại cảnh ngủ gật của người phụ nữ bán bánh tráng trộn ở góc đường Võ Văn Tần - Nguyễn Đình Chiểu (quận 1) cũng được lan tỏa khắp mạng xã hội.

Người phụ nữ trong đoạn clip là bà Lê Thị Cúc (60 tuổi, quê tại tỉnh Bình Định). Thời điểm đó, do bà bị bệnh cảm, vừa uống thuốc hạ sốt nên cơ thể mệt mỏi dẫn đến ngủ gật.

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật - 4

Đoạn clip người phụ nữ vừa bán bánh tráng, vừa ngủ gật khiến nhiều người phì cười (Ảnh cắt từ clip: C.D).

"Sau khi các cháu đăng tải đoạn clip lên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ biết và đến ủng hộ tôi nhiều hơn. Nhiều cháu còn hỏi tôi về đoạn clip ấy, khiến tôi rất ngại", bà Cúc cười, nói.

Hàng bánh tráng của bà mở bán từ 15h đến 1h hôm sau, chỉ khi nào bán hết bánh tráng thì bà Cúc mới về nhà trọ. Loay hoay đến 3h mới ngủ, nhưng đến 7h, bà đã lật đật dậy, ra chợ mua nguyên liệu để bán bánh tráng.

Bà cụ bán bánh tráng trộn nổi tiếng vì… ngủ gật - 5

Bà Cúc cho hay bà đã mưu sinh ở TPHCM gần 20 năm (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Tôi cũng đã quen rồi, hôm đó vì bệnh nên mới ngủ gật thôi. Mỗi ngày tôi bán được vài trăm nghìn đồng. Tôi chẳng có chồng con gì nên dành dụm gửi về quê nuôi cha mẹ già", bà Cúc nói.

Gần 20 năm trước, bà Cúc từ Bình Định một mình vào TPHCM lập nghiệp. Bà vốn sinh ra trong gia đình có 9 anh chị em, chủ yếu làm nông để kiếm sống.

Nhờ lời giới thiệu của đồng hương, bà Cúc thuê được một căn trọ tập thể ở quận 4, mua một xe đẩy để đi bán trái cây dạo rồi dần chuyển sang bán bánh tráng.