Hàng bánh ướt giá nào cũng bán của người phụ nữ "nghèo rớt mồng tơi"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Dù hoàn cảnh khó khăn, phải nuôi mẹ bị liệt và em trai bệnh tâm thần, bà Lan vẫn chấp nhận bán những dĩa bánh ướt dù chỉ có giá 1.000 đồng.

Bánh ướt nghĩa tình

7h, khu chợ Nghĩa Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) vào cao điểm nhộn nhịp. Ở góc đường sát khu chợ, hàng bánh ướt chỉ duy nhất một chiếc bàn, 4 chiếc ghế nhựa, đã kín người ngồi.

Thực khách đa phần là người lao động nghèo, tranh thủ đến ăn từ sớm để chuẩn bị cho một ngày mưu sinh vất vả. Tại đây, họ chỉ cần bỏ ra 10.000 đồng là có được một dĩa bánh ướt đầy đủ chả giò, đậu hũ chiên,… Thậm chí, có người chỉ cần chi 1.000 đồng cũng có thể đổi lấy bữa ăn no bụng.

Thỉnh thoảng, người ta còn thấy cảnh bà Phan Thị Lan (64 tuổi), chủ quán bánh ướt, lén cho thêm một ít bánh, thịt, khi thấy thực khách còn… nghèo hơn mình.

Hàng bánh ướt giá nào cũng bán của người phụ nữ nghèo rớt mồng tơi - 1

Hàng bánh ướt sáng nào cũng rôm rả tiếng cười nói của những người lao động nghèo (Ảnh: Trọng Khang).

"Quanh đây chỉ toàn người lao động nên bán giá đó để ai cũng ăn được. Bao nhiêu tiền tôi cũng bán. Người ta hỏi tôi bán vậy có lãi không, tôi chỉ cười, nói rằng lãi không nhiều nhưng may là quán cũng  trụ được 45 năm rồi", bà Lan nói, nụ cười lộ rõ những nếp nhăn xếp chồng trên mặt.

Lạ ở chỗ, gia cảnh của bà Lan không hề khá giả, mà cũng thuộc diện nghèo "rớt mồng tơi". Hằng ngày, bà kiếm được khoảng 300.000 đồng từ việc bán bánh ướt, nhưng tiền lãi chưa đến một nửa. Kiếm được bao nhiêu tiền, người phụ nữ tần tảo lại gấp gọn, bỏ vào túi để dành nuôi người mẹ bị liệt và em trai mắc bệnh tâm thần.

Hàng bánh ướt giá nào cũng bán của người phụ nữ nghèo rớt mồng tơi - 2

Làn da đen nhẻm của bà Lan sau 45 năm bám trụ hàng bánh ướt lề đường (Ảnh: Trọng Khang).

Thấy cảnh khổ của bà Lan, nhiều người khuyên bà không nên bán giá quá rẻ như vậy. Thế nhưng, người phụ nữ chỉ cười xòa, nói gọn: "Lá rách đùm lá tả tơi".

Bà Lan bộc bạch rằng mỗi ngày bà chỉ ngủ được vài tiếng. Một ngày làm việc của bà lúc nào cũng bắt đầu từ 4h, quanh quẩn từ việc soạn hàng, bán rồi chăm sóc gia đình, quần quật đến 22h mới xong. Lắm lúc, người phụ nữ không kiềm được tủi thân mà bật khóc, nhưng thời gian lại khiến bà trở nên nguôi ngoai.

"Tôi đã quên mất lần cuối tôi sống cho bản thân mình là khi nào. Nhiều người cũng đến ngỏ lời kết hôn, nhưng tôi vẫn từ chối. Vì đối với tôi, mẹ và em trai là quan trọng nhất. Bản thân phải hi sinh vì người mà mình thương yêu", bà Lan trải lòng.

Học cách mạnh mẽ trước nhiều biến cố

Nhìn lại hoàn cảnh của mình, người phụ nữ mạnh mẽ cũng không kiềm được mà rơm rớm nước mắt. Người phụ nữ tóc đã chớm bạc, kể lại rằng, gia đình đã phải chịu nhiều vất vả từ thời của mẹ.

Năm 1954, ba của bà Lan qua đời. Bà Bùi Thị Nụ (88 tuổi), mẹ bà Lan, một mình dắt 5 đứa con vào TPHCM. Thời ấy, bà Lan không thể quên được hình ảnh mẹ mình vất vả làm cùng lúc nhiều công việc để cả gia đình có thể tồn tại nơi đất khách quê người. 20 năm sau, bà Nụ thử mở hàng bán bánh ướt, thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ để bà nuôi 5 người con nên người.

Lớn lên, bà Lan xin làm tại một xưởng thuốc nổ, với mức lương 10.000 đồng/tháng. Những tưởng cuộc sống sẽ đỡ vất vả nhưng tai nạn lao động đã khiến bà Lan bị bỏng phần mặt, bàn tay bị cắt đi phần da hoại tử do thuốc nổ.

Ở tuổi 20, bà Lan phải chịu đựng cảnh đau đớn về thể xác và sự mặc cảm về ngoại hình. Dù cơ thể hồi phục khá nhanh, bà vẫn phải bỏ nghề do những ám ảnh sau sự cố đó.

Biến cố vẫn tiếp nối khi người chị cả và em trai của bà có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Thấy mẹ phải quán xuyến nhiều thứ đến mức đổ bệnh, bà Lan liền quyết định nối nghiệp mẹ, đi bán bánh ướt để gánh vác thay mẹ sự cực nhọc.

Hàng bánh ướt giá nào cũng bán của người phụ nữ nghèo rớt mồng tơi - 3

Thân hình gầy gò của người phụ nữ mạnh mẽ, hi sinh cả đời để gánh vác cực nhọc thay mẹ (Ảnh: Trọng Khang).

Giờ đây, mẹ của bà bị liệt chỉ ngồi một chỗ, còn em trai mắc bệnh tâm thần thì chạy nhảy khắp nơi, thậm chí đánh người thân trong gia đình. Lắm lúc, bà Lan thầm trách số phận cay nghiệt của mình. Nhưng thoáng chốc, bà bỗng cảm thấy nhẹ nhõm vì ít nhất cũng có được một công việc để kiếm tiền, có được người thân ở bên cạnh.

"Buôn bán rồi tôi mới thấy có nhiều người còn khổ hơn mình. Họ không có nổi 10.000 đồng để ăn bánh ướt, vì thế, tôi cũng thường bán rẻ cho họ hoặc cho thêm nhiều thức ăn hơn. Dù mình nghèo nhưng thấy người khác khổ, bản thân lại không chịu được", bà Lan cười, nói.