1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

8 bí quyết đàm phán tăng lương

Từ những kinh nghiệm làm việc trong thế giới startup, doanh nhân John Boitnott đã quan sát thấy rằng những người xứng đáng được tăng lương nhiều nhất lại thường là những người ít đưa ra yêu cầu đó nhất.

8 bí quyết đàm phán tăng lương - 1

Bất kể doanh nghiệp nào cũng đều có một vài cá nhân luôn hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ nhưng lại không biết giá trị thực của mình. Nếu bạn là người như thế, đừng nên lúc nào cũng chờ đợi đánh giá từ sếp hoặc khách hàng, mà hãy cho họ biết năng lực thực của bạn đã đi tới đâu.

Việc đàm phán để yêu cầu tăng lương nghe qua thì có vẻ đáng sợ, nhưng nếu bạn chịu khó tìm hiểu 8 bí quyết dưới đây thì nó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều:

1. Hãy nghĩ về lợi ích của việc được tăng lương

Sức mạnh của tư duy tích cực sẽ đưa bạn đi rất xa. Nếu bạn thực sự tin rằng bạn nên được nâng lương, hãy tìm cách thể hiện niềm tin này qua ngôn ngữ cơ thể và những luận điểm mà bạn đưa ra với sếp, điều này có thể giúp bạn gia tăng khả năng thuyết phục.

Tuy nhiên, nếu bạn không đưa ra một thông điệp chắc chắn, điều này có thể gây tác dụng ngược. Hãy chắc chắn rằng bạn đang xem các cuộc đàm phán như là một cuộc trao đổi giữa các đối tác hơn là một cuộc đối đầu. Điều này có thể giúp bạn bình tĩnh và giảm đi áp lực.

2. Nghiên cứu mức thu nhập trung bình

Hãy tìm hiểu trước các trang web thông tin nhân sự như Glassdoor, Indeed, Payscale... để biết xem mức lương trung bình hiện tại cho vị trí của bạn là bao nhiêu. Ngoài ra, bạn có thể nghiên cứu các trang web tuyển dụng để xem các công ty khác đang trả lương ra sao. Từ đó, bạn có thể sử dụng các dữ liệu này để thuyết phục sếp.

3. Trình bày lại thành tích công việc

Đây là một cách hiệu quả để giải thích tại sao bạn xứng đáng được nâng lương. Hãy liệt kê tất cả thành tích của mình dựa theo các tiêu chí của công ty, và cho thấy là bạn đã đạt được các mục tiêu mà sếp đã duyệt qua như thế nào.

Đây là một cách để cho công ty dễ dàng thấy được giá trị của bạn, cũng như đâu là mức lương xứng đáng cho năng lực hiện có của bạn.

4. Xác định rõ mức lương và các quyền lợi muốn có

Hãy nghĩ đến những quyền lợi khác bên cạnh mức lương, như thời gian nghỉ phép, quyền được làm việc ở nhà, được giao thêm quyền hạn và trách nhiệm, các khóa đào tạo và nâng cao năng lực...

Hãy đảm bảo rằng bạn đã tính toán tất cả những quyền lợi mà bạn nghĩ rằng mình xứng đáng được hưởng, và sau đó xác định xem đâu là những thứ mà bạn muốn đặt lên bàn đàm phán.

5. Đừng trở thành người đầu tiên đề cập đến mức lương

Theo kinh nghiệm của John Boitnott, tốt nhất hãy để cho sếp của bạn đề cập đến mức lương mới trước. Nếu quá hấp tấp, bạn có thể dễ dàng “bán rẻ” mình vì nghi ngờ bản thân và bạn sợ sẽ làm phiền lòng sếp. Và nếu khi đó sếp đồng ý ngay lập tức, có nghĩa là bạn đã bị “hớ” rồi đấy.

Khi sếp đã đưa một mức lương mà sếp cho rằng bạn xứng đáng được hưởng, bạn sẽ có điểm tựa để từ đó đánh giá xem mình có nên yêu cầu thêm hay không. Theo John Boitnott, bạn nên đề nghị sếp cho mình thêm vài ngày suy nghĩ. Điều đó sẽ cho phép bạn đánh giá kỹ cảm nhận của mình xem có nên chấp nhận mức lương đó hay đàm phán lại lần nữa.

6. Sắp xếp trước thời gian đàm phán

Điều này nghe có vẻ quá hiển nhiên, nhưng thực tế John Boitnott đã từng chứng kiến những người cứ “tự tiện” xông vào văn phòng sếp và yêu cầu đàm phán ngay. Hãy sắp xếp trước giờ hẹn, nó sẽ cho bạn thời gian để chuẩn bị và đảm bảo cho bạn tập trung được đầy đủ sự chú ý từ sếp.

Bạn có thể lựa chọn mốc thời gian để để đàm phán, chẳng hạn như nhân dịp đánh giá kết quả định kỳ, hoặc sau khi công ty vừa công bố kết quả kinh doanh nhiều khả quan.

7. Thực hành trước khi bước vào bàn đàm phán

Để thuyết phục sếp, bạn phải thật sẵn sàng và tự tin khi trình bày. Bạn có thể tranh thủ thực hành bài thuyết trình của mình trước gương, và tốt nhất là với một người bạn hay một thành viên trong gia đình.

Những người này có thể hỏi ngược lại bạn một vài câu hỏi mà sếp có thể cũng dùng tới khi đàm phán. Bằng cách này, bạn có thể sẵn sàng chuẩn bị những phản ứng khác nhau từ sếp, đặc biệt là khi bạn nhận được những lời từ chối hay hứa hẹn kiểu “để mai tính”.

8. Luôn giữ thái độ chuyên nghiệp

Đàm phán chưa bao giờ là điều dễ dàng. Dù kết quả có ra sao đi nữa, đừng để cho những cảm xúc quá đà lấn át. Hãy giữ bình tĩnh vì tức giận sẽ không giúp được gì cho bạn cả.

Đừng cố so sánh mình với đồng nghiệp, “dìm” người khác xuống, hoặc thể hiện sự kiêu ngạo hay tham lam lúc đưa ra yêu cầu. Việc đe dọa hay hành xử kiểu ta đây cũng không giúp ích được gì cả. Hãy luôn giữ thái độ chuyên nghiệp và xác định trước rằng 2 bên cần biết cách nhượng bộ lẫn nhau.

Các bí quyết đàm phán kể trên đã được chứng minh là có tác dụng, vì nó hướng các nhân viên tới việc cho sếp thấy được giá trị mà họ đem lại, và đó cũng chính là điều mà sếp nghĩ đến khi cân nhắc liệu có nên tăng lương hay không.

Theo Doanh nhân Sài gòn