1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

600 lái đò không hợp đồng lao động: Vướng mắc hàng chục năm!

Thái Bá

(Dân trí) - Đa phần những người làm nghề chèo đò chở khách ở Tam Cốc có tuổi cao, sợ ràng buộc, tâm lý làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Vì thế, khi doanh nghiệp ký hợp đồng lao động họ không mặn mà.

Như báo Dân trí đã phản ánh, tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, Ninh Bình), chục năm qua hơn 600 lao động là người dân địa phương làm nghề chèo đò chở khách ở đây vẫn chưa ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp chủ quản.

600 lái đò không hợp đồng lao động: Vướng mắc hàng chục năm! - 1

Hàng chục chiếc đò ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động nằm chờ khách (Ảnh: Thái Bá).

Mới đây, chủ đầu tư khu du lịch này là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường có thông báo, từ 9/7, tất cả những người chèo đò chở khách tại khu du lịch phải ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi và đúng theo quy định của Bộ Luật lao động.

Ban quản lý (BQL) khu du lịch Tam Cốc Bích - Động cho biết, những người ký hợp đồng với doanh nghiệp phải có giấy khám sức khỏe, nếu không sẽ không được tiếp nhận làm việc. Toàn bộ chi phí khám sức khỏe doanh nghiệp chủ quản sẽ chi trả.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Quốc Hưng - Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo công an huyện nắm tình hình, UBND xã Ninh Hải và các cơ quan chuyên môn làm việc với BQL khu du lịch Tam Cốc - Bích Động và doanh nghiệp Xuân Trường.

600 lái đò không hợp đồng lao động: Vướng mắc hàng chục năm! - 2

Nghề chèo đò ở Tam Cốc phải mưu sinh vất vả, bất kể nắng mưa thất thường (Ảnh: Thái Bá).

Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho biết thêm, các nội dung của hợp đồng lao động, đối tượng ký kết hợp đồng, tiêu chuẩn, độ tuổi lao động được ký hợp đồng sẽ được tính toán để giải quyết những tồn tại, vướng mắc.

"Chính quyền đang tìm các giải pháp để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, hướng đến đưa công tác quản lý, điều hành các hoạt động dịch vụ đúng theo quy định của pháp luật", ông Hưng nói.

Về lý do hàng chục năm qua những người chèo đò ở khu du lịch Tam Cốc - Bích Động không ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp chủ quản, Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho hay, vấn đề này liên quan đến độ tuổi, tập quán của người dân địa phương vì đa phần lái đò là các cụ già.

600 lái đò không hợp đồng lao động: Vướng mắc hàng chục năm! - 3

Du khách nước ngoài ngắm bến thuyền Tam Cốc (Ảnh: Thái Bá).

"Người dân băn khoăn, khi ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp sẽ bị ràng buộc, e ngại khi không chở đò thì bị điều đi làm việc khác. Việc lái đò chưa ký hợp đồng lao động đã tồn tại từ trước đây, khi BQL khu du lịch còn do Sở Du lịch quản lý, rồi sau này mới chuyển về doanh nghiệp", Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư cho hay.

Được biết, trước kia vì những bất đồng với doanh nghiệp chủ quản khu du lịch, người dân đã một vài lần dừng việc, không chèo đò. Hiện nay, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động cũng đang tạm dừng hoạt động.

Một người dân xã Ninh Hải cho biết, nghề chèo đò chở khách du lịch ở Tam Cốc có từ hàng chục năm qua. Ban đầu, hoạt động này do người dân tự tổ chức, tự làm. Sau đó, BQL khu du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch điều hành hoạt động này, rồi chuyển cho doanh nghiệp Xuân Trường.

"Từ xưa đến nay, không ký hợp đồng lao động chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Giờ ký hợp đồng thì số đò của các hộ gia đình tính sao? Những người ngoài độ tuổi lao động không được ký hợp đồng phải nghỉ chèo đò, mưu sinh thế nào? Ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, người chèo đò sẽ được gì?", đó là hàng loạt những vấn đề người dân đặt ra.

600 lái đò không hợp đồng lao động: Vướng mắc hàng chục năm! - 4

Hàng trăm lái đò ở Tam Cốc không ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp chủ quản khu du lịch hàng chục năm qua (Ảnh: Thái Bá).

Đại diện doanh nghiệp Xuân Trường cho biết, từ khi được giao quản lý khu du lịch, hơn chục năm qua, công ty nhiều lần vận động lái đò ký kết hợp đồng lao động để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, cũng để doanh nghiệp thực hiện đúng luật. Tuy nhiên, người dân không tán thành.

Việc lái đò từ chối ký hợp đồng lao động, từ góc độ của doanh nghiệp, là "chuyện lạ", khó lý giải. 

Tuy nhiên, những băn khoăn, vấn đề người dân đặt ra, từ phía doanh nghiệp chưa có kiến giải.